Mới đây, một clip dài khoảng 15 giây quay lại cảnh "hai học sinh đánh nhau nhưng bị cô Linh phạt thương nhau" đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Theo đó, 2 bạn học sinh nam học tiểu học mặt vẫn còn căng thẳng vì đánh nhau nhưng vẫn nghe lời cô làm hòa nhau. Đứng trên bục giảng, 1 bạn ôm hôn vào má bạn còn lại 5 cái rồi bạn nam kia làm ngược lại. Vụ việc đang gây nên tranh cãi nhiều chiều về hình thức phạt học sinh này của giáo viên.
Clip 2 học sinh ôm hôn nhau làm hòa.
Người lớn đừng áp đặt suy nghĩ, tư duy của mình vào bọn trẻ
Chia sẻ quan điểm của mình trước clip này, chị Nguyễn Hoài Thu, sống tại TP.HCM, có con học lớp 2 chia sẻ: "Mình không cho rằng con ôm hôn bạn là lệch lạc giới tính. Còn chuyện cô phạt con thì mình xác định ngay từ đầu là không bao giờ can thiệp vào việc của cô, của trường khi cô không lên tiếng với mình hoặc sự việc chưa nghiêm trọng.
Việc ở lớp là hoàn toàn kệ cô, không gian lớp là thuộc về cô. Nếu bản thân cô thấy hình thức phạt ổn thì cô nên giải thích cho học trò hiểu. Còn nếu bản thân cô thấy phản cảm, day dứt thì trao đổi với các em, mong các em thông cảm. Nói chung là cô tự quyết định trong tình huống này".
Cô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt (Hà Nội) cho biết: "Với góc độ cái nhìn của trẻ con thì cô không sai. Cô muốn các bạn đoàn kết yêu thương nhau nên ôm hôn nhau làm hòa. Còn người lớn thì luôn áp đặt suy nghĩ, tư duy của mình vào bọn trẻ. Đó là lý do vì sao phần lớn bố mẹ không hiểu con, không làm bạn được với con khi con ở tuổi nổi loạn.
Tuy nhiên, ở trường mình, nếu các con đánh nhau thì cô sẽ gọi 2 bạn ra giải thích đúng sai và bảo 2 bạn ôm nhau làm hòa chứ không bắt hôn. Vì văn hóa Việt Nam chưa có thói quen ôm hôn nên chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ lên tiếng phản đối".
Không ai có quyền được ôm hôn con
Trái với quan điểm đồng tình vì hành động của 2 học sinh nam như vậy là dễ thương và "trẻ con chưa biết gì", hot mom Hà Trang lại phản đối gay gắt. Hà Trang hiện có 2 bé trai là Subi (6 tuổi) và Subo (2,5 tuổi) và từng là giáo viên mầm non tại Úc.
Cô cho biết: "Từ bé, mình dạy các con hai việc:
1. Không ai có quyền được ôm con, nếu con không thích. Cũng không được ôm ai, nếu chưa được sự đồng ý của đối phương. Không ai có quyền yêu cầu con được ôm người khác nếu con không muốn.
2. Tương tự như vậy với việc hôn. Nhưng hôn là mức độ thể hiện tình cảm cao hơn của ôm. Nó đòi hỏi xác định tình cảm, mối quan hệ, đối tượng của nụ hôn. Do đó, với "hôn" càng không được phép tùy tiện làm.
Ở các nước phương Tây, cái ôm và nụ hôn xã giao là những cái ôm nhẹ, hôn hờ vào má khi gặp mặt thay cho lời chào. Những đứa trẻ hiểu được sự lịch sự trong cử chỉ ôm từ bé. Bọn trẻ vẫn dùng cái ôm để làm hòa, nhưng là cái ôm dang rộng tay và cái ôm không dừng lại quá lâu. Không ai được phép yêu cầu bọn trẻ hôn nhau để làm hòa. Việc làm như vậy là đi quá giới hạn cá nhân.
Trẻ nhỏ cần được học về ranh giới giữa mỗi cá nhân, giữa tình bạn, giữa cùng giới, khác giới và giới tính thứ ba. Để xác định được điều gì nên và không nên trong mỗi không gian và hoàn cảnh khác nhau. Nhìn hai đứa trẻ vô tư vít cổ, bám eo, hôn nhau liên tục vào má, thấy thương cho các con khi phải bị động nghe theo một lời yêu cầu thiếu tính giáo dục trong môi trường giáo dục như vậy".
Việc ôm nhau, hôn má không đến mức khiến trẻ lệch lạc giới tính
"Việc cho hai học sinh nhỏ tuổi (cấp 1) ôm hôn nhau nhưng chỉ hôn trên má, cũng không có gì gọi là phản cảm nhưng không phù hợp với quan điểm và văn hóa Á Đông", đó là ý kiến của chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
Theo chuyên gia này, "Việc ôm nhau hôn má, tuy không phù hợp nhưng cũng không đến mức suy diễn như một số phụ huynh là sợ trẻ sẽ bị lệch lạc giới tính. Vì tình trạng đồng giới không phải chỉ là do vài cái ôm hôn tạo ra, mà nó là những khác biệt về tính cách đã có trong người của đứa trẻ ngay từ nhỏ và sẽ bộc lộ ra trong thời điểm phù hợp, khi đến tuổi dậy thì".
"Đối với giáo viên khi yêu cầu làm hòa thì có nhiều hình thức cho trẻ thực hiện như chỉ cần choàng vai, bắt tay nhau hay xòe tay ra "yeeh" một vài cái là đủ. Hoặc có thể cùng nắm tay đi một vòng và thực hành vài cử chỉ vui vẻ với các bạn phía dưới...", chuyên gia Lê Khanh bày tỏ.
Vậy, khi học sinh phạm lỗi, đánh nhau thì giáo viên phải xử lý thế nào cho phù hợp với tâm lý, chuyên gia Lê Khanh cho biết: "Việc phạt học sinh là điều gây nhiều tranh cãi - bởi vì đa số đều đồng hóa việc trách mắng (phạt về tinh thần) và việc đánh đòn, bạt tai, cốc đầu, khẽ tay (phạt về thể chất) là những hình phạt, và yêu cầu giáo viên không được thực hiện các điều ấy. Trong khi đó giáo viên có thể kỷ luật học sinh nhẹ nhàng như đứng quay mặt vào tường, đứng ngoài cửa lớp hay chép phạt...
Nhưng xét cho cùng đó cũng là 1 hình phạt về thể chất và thường không có hiệu quả nhất là với những trẻ ương bướng. Vì vậy, giáo viên cần phải có khả năng để biết các biện pháp kỷ luật học sinh sao cho các em nhận biết đó là sự "thiệt hại về quyền lợi" phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi, để có thể chủ động điều chỉnh bản thân. Đây là những biện pháp gọi là "kỷ luật không đòn roi, hay kỷ luật không nước mắt".
Bên cạnh đó, giáo viên hiện nay do quá chú trọng đến việc tập trung vào chuyên môn văn hóa và bị áp lực bởi thành tích, thi đua lại còn bị gò bó vào những khuôn khổ trong việc kỷ luật trẻ, khiến họ không có nhiều thời gian để trang bị những kiến thức về tâm lý lứa tuổi và tâm lý giới tính. Nên khi xảy ra những mâu thuẫn giữa các học sinh hay sự vi phạm các quy định, tình trạng học sinh vô kỷ luật, thì hầu như rất lúng túng không có hay không biết áp dụng các biện pháp kỷ luật như thế nào khiến các em vừa tâm phục khẩu phục, vừa thay đổi được hành vi của mình.
Đó là những kiến thức không kém phần quan trọng so với các kiến thức về chuyên môn mà giáo viên phải biết để trang bị cho công tác giáo dục uốn nắn hành vi cho học sinh.