Những ngày qua, cả Hàn Quốc như sục sôi sau vụ việc một nữ giáo viên tiểu học mới 23 tuổi phải tự kết liễu cuộc đời ngay trong lớp học ở quận Seocho, thủ đô Seoul hôm 18/7, vì "không chịu nổi áp lực".
Mặc dù cuộc điều tra của cảnh sát vẫn tiếp tục để làm rõ nguyên nhân cái chết của nữ giáo viên. Tuy nhiên, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, đã có suy đoán rằng cô phải chịu đựng những lời nói chỉ trích, phàn nàn cay nghiệt từ phụ huynh của một số học sinh.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Vụ việc này làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục xứ kim chi khi mà phẩm giá và quyền uy của người giáo viên đang bị lung lay. Ngày 24/7, khoảng 2.000 giáo viên Hàn Quốc đã tập trung tại thành phố Seoul tổ chức biểu tình đòi lại công bằng cho nữ giáo viên trẻ, đồng thời chia sẻ những nỗi khổ mà họ phải đối mặt. Trên Internet, nhiều giáo viên kể lại những tình tiết gây phẫn nộ tại trường học của họ.
50.000 người đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu các nhà chức trách xây dựng luật bảo vệ quyền của giáo viên. Nhân vụ việc này, nhiều giáo viên trên khắp Hàn Quốc đã chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc.
"Khi số điện thoại di động của tôi bị tiết lộ, tôi phải nhận những cuộc gọi từ phụ huynh và học sinh vào cả ban đêm và thậm chí cuối tuần", một giáo viên tiểu học với 15 năm kinh nghiệm ở Chuncheon, tỉnh Gangwon, cho biết. "Tôi rất buồn khi biết tin cô giáo trẻ qua đời vì tôi biết rõ cô ấy đã phải chịu đựng như thế nào".
Theo một cuộc khảo sát gần đây do hiệp hội giáo viên trường tiểu học thực hiện, 99% trong số 2.390 giáo viên được hỏi cho biết họ đã từng bị xâm phạm quyền cá nhân ít nhất một lần trong sự nghiệp của mình. Trong số đó, 49% cho biết đó là do phụ huynh phàn nàn.
"Giáo viên là nghề nhất định nên tránh"
Trong bài viết thể hiện quan điểm của mình trên tờ Korea Joongang Daily ngày 26/7, ông Kim Seung-hyun - Phó giám đốc tin tức quốc gia tại tờ báo JoongAng Ilbo - đã thuật lại lời của chính người cháu gái đang làm công tác giảng dạy ở một trường cấp 2, rằng: "Nếu không phải vì những kỳ nghỉ hè, dạy học là một nghề nhất định nên tránh".
Tinh thần của cô cháu gái ông Kim dường như đã "xuống đáy" kể từ sau cái chết của một giáo viên trẻ tại trường tiểu học trong một khu phố sang trọng của quận Seocho, phía nam Seoul. Cô than thở rằng niềm an ủi duy nhất của giáo viên chính là kỳ nghỉ hè.
Nhà báo Kim viết: "Tôi hỏi cháu gái rằng cuộc sống ở trường có vất vả không và nhận được lời đáp: 'Nó không tệ như ở Seoul. Nhưng cháu thường rất tức giận khi nói chuyện với phụ huynh của một học sinh cá biệt'."
Cô giáo tự tử sinh năm 2000, nhỏ hơn cháu gái chúng tôi 2 tuổi. Thật đáng tiếc là cô ấy đã phải tự chấm dứt cuộc đời ngắn ngủi dù phía trước còn cả tương lai dài, sau rất nhiều nỗ lực để trở thành một giáo viên.
Trong nhật ký của cô giáo ấy, hiệp hội giáo viên tiết lộ, cô ấy viết rằng khối lượng công việc và rắc rối với học sinh đã trở nên quá tải đến mức cô “ước gì được bỏ qua mọi thứ”. Nhật ký cũng có dòng này: “Nghẹt thở quá. Trong khi ăn, tay tôi run và tôi suýt khóc”.
Còn quá sớm để kết luận rằng cô giáo tự kết liễu đời mình do không chịu nổi áp lực từ phía phụ huynh. Đó là việc mà các ngành giáo dục và cơ quan thực thi pháp luật phải tìm ra. Nhưng vụ tự tử của một giáo viên 23 tuổi có những tác động xã hội rất lớn. Nó đã đưa ra lời cảnh báo về một hố sụt khổng lồ trong xã hội của chúng ta.
Ông Kim cho rằng lời khai từ các đồng nghiệp cho thấy rằng ngay cả một giáo viên mới với chưa đầy 2 năm kinh nghiệm, vốn có tính cách vui vẻ, tích cực, cũng có thể bị đẩy đến mức cực đoan. Cô cháu gái của ông Kim cũng cảm thấy khoảng trống tinh thần khi lớp học mà cô từng mơ ước được đứng ở đó giờ đột nhiên biến thành nơi ngột ngạt chẳng khác gì trại giam.
Một giáo viên 43 tuổi được phỏng vấn về sự suy giảm uy quyền của giáo viên nói rằng anh cũng từng nghĩ đến cái chết. Năm ngoái, khi còn là giáo viên chủ nhiệm, một học sinh làm sai bị anh đưa ra mức phạt kỷ luật. Sau đó, anh bị phụ huynh của học sinh này cáo buộc lạm dụng trẻ em. Ông bố 2 con nghĩ rằng cách duy nhất để chứng minh mình vô tội là tự kết liễu đời mình.
May mắn thay, giáo viên này đã tự vực dậy được tinh thần 2 ngày sau khi cố gắng tự tử.
Nhà báo Kim đặt ra một loạt câu hỏi: "Tổng thống Yoon Suk Yeol và chính phủ của ông đang tìm cách khôi phục phẩm giá của các giáo viên. Nhưng liệu xã hội của chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này hay không là điều không chắc chắn.
Liệu việc sửa đổi pháp lệnh về quyền của học sinh, vốn đã trở thành cơ sở cho tất cả các cáo buộc và khiếu nại ác ý đối với giáo viên, hoặc đưa các hành vi vi phạm của học sinh vào học bạ có thực sự khôi phục lại quyền lực của giáo viên không? Làm thế nào có thể sửa chữa thói ích kỷ của một bộ phận phụ huynh ví như "quái vật"?".
Giải pháp nào cho tình trạng cấp bách
Hiệp hội giáo viên ở Hàn Quốc hôm 26/7 cho biết các giáo viên hiện nay phải tự mình giải quyết các khiếu nại của phụ huynh, vì họ thường thể hiện sự bất bình thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi trực tiếp.
Điều này làm nảy sinh nhu cầu tạo ra một kênh liên lạc riêng, chẳng hạn như địa chỉ email chính thức, để giải quyết các thắc mắc hoặc khiếu nại của phụ huynh, giúp giáo viên không phải hồi đáp một loạt tin nhắn của phụ huynh.
Những người khác kêu gọi chính phủ phát triển một ứng dụng di động có thể cho phép giáo viên và phụ huynh liên lạc với nhau mà không tiết lộ số điện thoại cá nhân của giáo viên.
Thực tế, một số trường học đã sử dụng các ứng dụng di động do các công ty tư nhân phát triển cho phép giáo viên và phụ huynh liên lạc với nhau. Một số văn phòng giáo dục cũng đã vận hành hệ thống cung cấp cho giáo viên số điện thoại di động riêng để sử dụng trong công việc. Nhưng một số lượng đáng kể giáo viên vẫn phải tiết lộ số điện thoại cá nhân của mình, vì không dễ từ chối yêu cầu của phụ huynh.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ đã đưa ra ý tưởng tạo ra một kênh liên lạc thống nhất giải quyết các khiếu nại của phụ huynh bằng cách sử dụng trang web của trường hoặc email chính thức của trường.
Liên đoàn các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc chia sẻ sự cần thiết phải tạo ra một kênh liên lạc riêng, nhưng cũng nêu lên sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp kiềm chế những người khiếu nại quá mức và ác ý.
Đáp lại những lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm cải thiện tình trạng căng thẳng mà giáo viên phải đối mặt, các nhà chức trách Hàn quốc tuyên bố sẽ sửa đổi pháp lệnh về quyền của học sinh và đưa ra các biện pháp để bảo vệ tốt hơn quyền của giáo viên trong thời gian sớm nhất có thể.
Pháp lệnh nhân quyền của học sinh, được ban hành vào năm 2010, cấm giáo viên trừng phạt về thể xác và có hành vi phân biệt đối xử. Mặc dù sắc lệnh đã được ca ngợi vì mục đích tốt, nhưng nó cũng vấp phải sự chỉ trích vì chỉ nhấn mạnh quyền của học sinh mà bỏ quên quyền của giáo viên.
Nguồn: Korea Joongang Daily, Korea Times