Khẩu trang hiện tại là bắt buộc tại Mỹ, cho cả khách hàng lẫn nhân viên. Các ngành nghề khác thì chưa rõ, nhưng với một vũ công múa thoát y (stripper) như Diana thì đó là một đòn chí mạng. Nụ cười quyến rũ mà các stripper dùng để thu hút khách hàng đã bị tước mất. Các nhóm khách ồn ào, đông đúc tới đây vào mỗi thứ 6 cũng không còn. Phải may mắn lắm, cô mới tìm thấy một nhóm khách khoảng 3 người.

Đằng sau sân khấu, nỗi lo bao trùm đôi chân họ. Các vũ công một phần sợ Covid-19, nhưng xa hơn là mối lo làm sao để kiếm được tiền bo (tiền tips) ngày càng trở nên rõ ràng. Dĩ nhiên, điều này chẳng ngăn được Diana (tên nhân vật được thay đổi để bảo mật danh tính) cố gắng làm việc. Vũ công 24 tuổi người Pakistan mỗi tối vẫn "lên đồ" - đeo khẩu trang, cầm theo khăn giấy ướt - bước vào đám đông đang sẵn sàng mạo hiểm để có một buổi tối tưng bừng. 

Vũ công thoát y kể chuyện nghề giữa đại dịch: Mất khách vì đeo khẩu trang khi biểu diễn, cách ly xã hội là điều không thể - Ảnh 1.

Diana sống tại Houston (Texas, Mỹ) - thành phố nổi tiếng với dịch vụ giải trí múa thoát y. Đầu tháng 5, một phần lệnh hạn chế được gỡ bỏ, tạo cơ hội cho cô trở lại sân khấu. Nhưng giờ, Texas đang trở thành điểm nóng dịch bệnh mới của Mỹ, khi giới chức trách đang đặt dấu hỏi về kế hoạch tái mở cửa. Dẫu vậy, câu lạc bộ của Diana ít nhiều vẫn hoạt động kể từ khi lệnh "ở nhà" kết thúc. Cô có thể làm việc bất kỳ lúc nào.

Nhưng dù có tự do, Diana cho biết cô chỉ đến câu lạc bộ khi biết chắc khách quen đang ở đó. Việc phải nhảy múa trong một căn phòng trống vắng giữa những vị khách keo kiệt quả thực là tình huống khá chán nản, và cũng không hiệu quả về mặt kinh tế.

Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Vox, Diana đã chia sẻ về quá trình làm việc trong giai đoạn này, cũng như cách mà cô thích nghi với nó như thế nào.

*Câu hỏi sẽ được in đậm

Lần đầu cô nghe về việc câu lạc bộ phải đóng cửa là khi nào?

Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó từ tháng 4. Có rất nhiều tin đồn (về chuyện đóng cửa) đang lan ra, nhưng chẳng nói đến vì nào có ai muốn nó xảy ra. Houston có lẽ là một trong những "kinh đô múa thoát y" của thế giới, vậy nên đó là vấn đề khá lớn về mặt văn hóa.

Tôi đã không ngạc nhiên khi nghe tin. Trong đợt phong tỏa, các quản lý tạo một nhóm trên Facebook để chúng tôi cập nhật chúng tôi. Ngoài ra thì còn có một nhóm chat nữa. Nhưng dù sao chúng tôi cũng hoạt động trở lại khi mọi thứ mở cửa (trong tháng 5).

Cô lo lắng về chuyện tiền nong đến mức nào trong giai đoạn ấy?

Thực ra tôi khá là may mắn, bởi tôi biết rằng mình có thể nhờ bố mẹ nếu thực sự cần đến tiền. Tuy nhiên, mấy cô bạn đồng nghiệp của tôi, hầu hết là mẹ đơn thân, hoặc đang phải lo toan cho nhiều người khác. Nhìn chung, ai cũng thấy căng thẳng. Nhiều người còn đi chơi cùng khách quen bên ngoài câu lạc bộ để kiếm thêm thu nhập. 

Số tiền cô kiếm được lúc này so với trước đại dịch?

Trước dịch, trung bình mỗi tối cuối tuần tôi có thể kiếm được khoảng 2000 - 3000 USD (khoảng 45 - gần 70 triệu đồng), còn trong tuần thì tối thiểu là 1000 USD (khoảng 23 triệu đồng). Giờ thì tôi chỉ kiếm được nhiều nhất là 1000 USD thôi, và đó là nhờ hội khách quen. Dòng tiền không còn ở trên sàn nhảy nữa, mà ở trong các phòng V.I.P. Số tiền khách tung lên sàn là rất ít. 

 - Ảnh 3.

Các sàn nhảy thoát y trong tình trạng vắng khách (Ảnh minh họa)

Khi có tin trở lại làm việc, cô có ngần ngại không? Lợi và hại trong tình huống ấy, cô đánh giá như thế nào?

Họ bảo là cần phải đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng lúc đầu khi tôi đến - thời điểm Texas bắt đầu gỡ phong tỏa giai đoạn 2, quy định không quá khắt khe. Dĩ nhiên là tôi làm việc ít hơn. Trong tuần đầu tiên, đó là một thế giới kỳ lạ. Một khi ở đó, bạn sẽ quên đi mọi thứ bên ngoài. Cảm giác ấy được đẩy mạnh hơn trong đại dịch.

Khi trở lại, có rất nhiều lo lắng, kiểu "Liệu mình có thực sự muốn làm không?" Nhưng khi ở đó, bạn phải chuyên tâm kiếm tiền. Và giai đoạn đó thực sự khó khăn khi khách hàng thậm chí còn chẳng tin vào virus corona.

Hầu hết khách hàng của tôi là những người chối bỏ dịch bệnh. Có ông khách thậm chí còn tức giận vì tôi đeo khẩu trang. Khi đó tôi kiểu: "Tôi đeo là vì ông đó, ông già rồi!"

Giờ tôi làm việc ít hơn. Trước kia, gần như đêm nào tôi cũng có thể kiếm tiền nếu thực sự muốn. Còn giờ, tôi chỉ đi khi biết có khách quen ở đó thôi.

Cảm giác nhảy múa khi phải đeo khẩu trang như thế nào?

Nó khá là kỳ cục, bởi thông thường ta đánh giá một người có thích mình không thông qua nụ cười. Vậy nên bây giờ, cần phải tinh ý hơn thông qua quan sát ngôn ngữ cơ thể.

Vũ công thoát y kể chuyện nghề giữa đại dịch: Mất khách vì đeo khẩu trang khi biểu diễn, cách ly xã hội là điều không thể - Ảnh 3.

Các quản lý giờ cũng khắt khe hơn trong chuyện này. Bạn sẽ không được nhận tiền bo từ khách không đeo khẩu trang. Cũng tốt, nhưng nó thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau khi nhảy. Sẽ cần nhiều cử chỉ tay hơn.

Ngoài ra, nhảy khi đeo khẩu trang thực sự là rất mệt. Chỉ một lúc thôi là tôi thấy người đẫm mồ hôi, đầu óc choáng váng, bởi chẳng thể hít thở bình thường.

Khẩu trang của cô có phù hợp với trang phục không nhỉ?

Có! Tôi tự làm khẩu trang cho mình, có lớp lọc bên trong. Vì tôi nhảy trên các nền nhạc "lạ", nên khẩu trang của tôi có gắn xích vàng, kiểu như vũ công múa bụng ấy. Chẳng ai dùng khẩu trang y tế cả, mà dùng loại dễ thương hơn, làm bằng lụa. 

Còn trải nghiệm về khách hàng thì sao?

Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Trước kia, có vài mức độ để đánh giá sự hài lòng và thích thú. Còn giờ, mọi thứ tan biến.

Cánh đàn ông không còn đến theo nhóm lớn nữa, mà tới một mình. Khách hàng của chúng tôi trước kia thường là một nhóm các ông vừa tan giờ làm, bởi chúng tôi làm việc cạnh các công ty xăng dầu. Còn giờ chủ yếu là khách quen, và những người là thành viên V.I.P của câu lạc bộ. Có rất ít khách vui vẻ chi nhiều tiền. Giờ, các ông keo kiệt xuất hiện nhiều hơn. 

Lap dance (hình thức nhảy khi ngồi trên đùi khách hàng) có được phép không?

Có! Vậy nên chẳng có cách nào thực hiện giãn cách xã hội ở đây cả. Dù đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn ngồi trong lòng người ta. Tôi có dùng khăn lau trước khi ngồi sang khách khác - điều vẫn làm trước đại dịch, nhưng giờ nó trở thành điều bình thường, thay vì một thói quen kỳ quặc mà đồng nghiệp từng đánh giá.

Cô có sợ việc mình và đồng nghiệp nhiễm bệnh?

Có nhiều người không làm nữa, nhưng cũng có nhiều cô mới từ các thành phố vẫn đang phong tỏa để làm việc. Mối lo cơm áo gạo tiền vẫn lớn hơn. Có tin đồn rằng 3 quản lý trong câu lạc bộ đã nhiễm, nhưng chưa được xác nhận.

Nhìn chung, ai cũng lo sợ. Nó khiến tôi nhớ lại những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo lời những người đi trước.

Nguồn: Vox