Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú tại huyện Nhơn Trạch) đang bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam để điều tra tội Giết người. Bích là nghi phạm đầu độc khiến 3 người thân (chồng và 2 cháu) tử vong bằng xyanua.

Trong số các nạn nhân mà Bích khai nhận đã ra tay hạ độc có cháu ruột của Bích là N.H.B.T. (18 tuổi), may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát nạn.

Sau vụ việc gây chấn động dư luận, rất nhiều người đặt câu hỏi về việc pháp luật quy định như thế nào về việc mua bán xyanua, và người bán xyanua cho Bích có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Vì sao xyanua được bán tràn lan trên mạng xã hội?

Xyanua là chất cực độc nên việc mua bán loại chất này phải đáp ứng các điều kiện quy định. Theo chia sẻ của luật sư Vũ Như Nam, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết trên báo Đồng Nai: Luật Hóa chất năm 2007 và Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH ngày 2-8-2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Hóa chất có quy định rõ về việc mua bán chất xyanua.

Theo đó, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép mới được kinh doanh. Còn đối với bên mua, khi đến mua xyanua phải có giấy giới thiệu, có công văn, nói rõ việc mua bán, sử dụng vào mục đích gì.

“Tuy nhiên, các quy định này chưa chi tiết, cụ thể nên rất khó kiểm soát được việc bên mua có sử dụng đúng mục đích loại hóa chất này hay không, trong khi đây là một loại hóa chất độc hại cần quản lý nghiêm ngặt. Vụ việc đầu độc người thân bằng chất độc xyanua tại huyện Nhơn Trạch có thể xem là một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý lỏng lẻo loại hóa chất này” - luật sư Vũ Như Nam nói.

Vụ đầu độc nhiều người thân gây chấn động: Người bán xyanua cho Nguyễn Thị Hồng Bích có bị xử lý?- Ảnh 1.

Chất xyanua được chào bán, hỏi mua công khai trên mạng xã hội. Ảnh: dangcongsan

Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.

Vì thế chỉ cần gõ “mua xyanua giá rẻ” ngay lập tức cho ra nhiều kết quả rao bán xyanua (hay còn có tên gọi khác là Kali xyanua, Potassium cyanide) với số lượng từ 1 kg đến 50 kg hoặc thậm chí nhiều hơn và cũng có thể đặt mua dễ dàng.

Chất cực độc này được rao bán tự do, công khai tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, các website hay thậm chí cả sàn thương mại điện tử, thông tin này được đăng tải trên báo Đảng cộng sản.

Người bán xyanua cho nghi phạm Bích có phải chịu trách nhiệm pháp lý?

Trao đổi về vấn đề này trên báo An ninh thủ đô, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo quy định, trong trường hợp người mua bán xyanua vi phạm quy định về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc có thể bị phạt hành chính với số tiền từ 100.000 đồng - 1 triệu đồng.

Nếu bên bán không có giấy phép kinh doanh hoặc việc mua bán không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, có thể bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất độc.

Cụ thể, Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất độc thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội có tổ chức; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc tù chung thân.

Luật sự Thu cũng đề xuất, vừa qua, nhiều đối tượng sử dụng xyanua đầu độc người khác đã bị xử lý hình sự về hành vi giết người, bị tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình. Tuy vậy, để tránh xảy ra những vụ việc tiếp theo thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự người bán chất độc để răn đe.

Vụ đầu độc nhiều người thân gây chấn động: Người bán xyanua cho Nguyễn Thị Hồng Bích có bị xử lý?- Ảnh 2.

Nghi phạm Bích và chai xyanua mà Bích mua về sử dụng. Ảnh; CACC

Đối với vụ án xảy ra tại Đồng Nai, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) đã phân tích cụ thể các tình huống trên tờ Dân trí như sau:

Đầu tiên, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ ý chí chủ quan của người bán hóa chất cho Bích là gì, có biết về mục đích phạm tội của nghi phạm hay không.

Nếu tổ chức, cá nhân chưa đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này, các giao dịch thực hiện trái pháp luật và dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng là 5 người tử vong, cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu hình sự của tội Mua bán trái phép chất độc theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu tổ chức, cá nhân đó biết về mục đích phạm tội của Bích khi đặt mua lượng hóa chất trên mà vẫn cố tình tiếp tay cho nghi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm về tội Giết người với vai trò đồng phạm;

Nếu tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này và hoàn toàn không biết hoặc bị lừa đối về mục đích phạm tội của Bích, trách nhiệm hình sự có thể được miễn đề cập. Tuy nhiên, quy trình mua bán sẽ được làm rõ để xác định quá trình thực hiện giao dịch đã tuân thủ các điều kiện của pháp luật hay chưa.

Sát thủ sử sụng xyanua để giết người hầu hết là nữ giới

Theo thuật lại trên tờ Tuổi trẻ, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, có 5 vụ giết người bằng chất độc xyanua gần đây gây rúng động dư luận. Và một điểm chung, tất cả những hung thủ đều là nữ.

Một trong những vụ án gây ám ảnh nhất xảy ra vào năm 2019 tại Thái Bình. Lúc này, Lại Thị Kiều Trang có quan hệ yêu đương bất chính với anh rể.

Thấy có lỗi với vợ, tháng 10/2019 anh rể đề nghị chấm dứt mối quan hệ, Trang không đồng ý và ghen tuông khi thấy anh rể quan tâm chăm sóc vợ con. Từ đây, Trang lên kế hoạch giết chị họ mình đang công tác tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.

Trang lên mạng đặt mua xyanua. Sau đó biết chị họ thích uống trà sữa, ngày 2/12/2019, Trang mua 6 ly trà sữa, bơm xyanua vào 4 ly và ship đến Bệnh viện Phổi Thái Bình để giết chị họ. Chị họ không có ở bệnh viện và nhờ đồng nghiệp nhận giúp.

Sáng hôm sau, chị N.T.H. - đồng nghiệp của chị họ Trang thấy trà sữa trong tủ lạnh đã lấy uống và tử vong. Tháng 7/2020, tòa đã tuyên phạt Trang án tử hình vì tội Giết người.