Sáng 26/10, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển, người ký quyết định số 14 (ngày 24/1) khám xét nhà của ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực, số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế) cho biết: "Lúc công an trình qua là khám xét hành chính, tức khám xét nơi ở của ông Lực nên việc tôi ký lệnh là đúng thẩm quyền".

Theo các luật sư phân tích, căn cứ vào Điều 127, Điều 128 và Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét hành chính là nhà ở ông Lực là đúng quy định. Còn khám xét theo trình tự hình sự, là do người đứng đầu cơ quan tố tụng như: cơ quan điều tra, TAND, VKSND các cấp ban hành.

"Nếu lực lượng công an, quản lý thị trường bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD cho khách mà không có giấy phép thì lực lượng này có quyền khám xét nơi kinh doanh của doanh nghiệp (không phải nơi ở - PV) mà không cần xin lệnh khám xét do Chủ tịch UBND quận ký", luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP.HCM) phân tích.

Vụ đổi 100 USD phạt 270 triệu: Lệnh khám nhà được ký trước 6 ngày vì nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm? - Ảnh 1.

Tiệm vàng Thảo Lực.

Trong trường hợp này, tiệm vàng Thảo Lực, nơi bị bắt quả tang mua bán 100 USD trái phép cũng là nơi ở của gia đình, nếu lực lượng chức năng muốn khám xét vì nghi ngờ căn nhà này cất giấu tang vật thì cần phải có lệnh khám xét do Chủ tịch UBND quận (huyện) ký.

Dư luận đặt ra câu hỏi, việc Chủ tịch quận Ninh Kiều ký lệnh trước 6 ngày có đúng quy định pháp luật hay không và thời gian vụ việc kéo dài tới 9 tháng, mới có quyết định xử phạt hành chính có đúng quy định hay không?

Luật sư Vũ cho rằng, trường hợp này nếu cơ quan công an xin lệnh khám xét từ trước thì phải có căn cứ nơi này có dấu hiệu vi phạm hoặc nguồn tin tố giác tội phạm. "Nhưng trước khi xin lệnh khám xét từ Chủ tịch UBND quận, cơ quan chức năng phải xác minh nguồn tin tố giác tội phạm là có căn cứ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật", luật sư Vũ nói.

Vụ đổi 100 USD phạt 270 triệu: Lệnh khám nhà được ký trước 6 ngày vì nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP.HCM).

Luật sư Vũ cũng cho rằng, khi bắt quả tang vụ mua bán trái phép 100 USD thì lực lượng chức năng phải lập biên bản tạm giữ tang vật.

Nếu nghi ngờ nơi này có dấu hiệu vi phạm khác như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ thì lực lượng công an hoặc quản lý thị trường mới xin lệnh khám xét do Chủ tịch quận ký để thực hiện việc khám xét, thu giữ tang vật vi phạm (nếu có).

Trong quá trình xử lý hành chính, nếu cơ quan chức năng phát hiện nơi này (tiệm vàng) có các dấu hiệu vi phạm cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra xác minh không chứng minh được hành vi phạm tội thì sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển vụ việc sang cơ quan chức năng có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo luật sư Vũ, việc cơ quan chức năng bắt quả tang cơ sở vi phạm khi đổi trái phép 100 USD là không sai và xử lý vi phạm hành chính cũng không sai nhưng trình tự xử lý còn nhiều bất cập.

"Lẽ ra, khi bắt quả tang chủ tiệm vàng đổi 100 USD trái phép, công an phải lập biên bản vi phạm quả tang, rồi mới xin lệnh khám nhà ông Lực. Khi khám xét, nếu phát hiện tang vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ mới lập biên bản tạm giữ tang vật, tiến hành các bước xử lý tiếp theo", luật sư Vũ nhấn mạnh.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), tất nhiên là phải có nguồn tin báo tội phạm hay một cơ sở, căn cứ nào đó thì công an mới xin lệnh khám xét để làm rõ dấu hiệu vi phạm.

"Tuy nhiên, việc đổi ngoại tệ của anh Rê và chuyện tiệm vàng Thảo Lực vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc là hai chuyện khác nhau, cần được tách bạch rõ ràng. Việc công an cho tiến hành hai việc này trong cùng thời điểm đã tạo nên sự hoài nghi trong dư luận", luật sư Nguyễn Văn Trường nói.

Luật sư Phan Đình Hưng (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng, thông tin từ Công an TP Cần Thơ thì chủ tiệm vàng (ông Lực) không có khiếu nại và đã chấp hành việc đóng phạt.

Các cơ quan chức năng đã có quyết định xử lý số kim cương, đá nhân tạo mà trong quá trình khám xét đã phát hiện nhưng ông Lực đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc theo quy định.

"Vấn đề mà nhiều bạn đọc quan tâm, nếu như cho rằng cơ quan chức năng Cần Thơ làm không đúng quy định thì tại sao ông Lực lại không thực hiện quyền khiến nại đến các cơ quan chức năng trong thời hạn luật định cho phép", luật sư Phan Đình Hưng nói.