Ngày 3/9, VKSND quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Công an quận Cầu Giấy đối với ông Doãn Quý Phiến (53 tuổi), tài xế đưa đón học sinh của trường Gateway về tội "Vô ý làm chết người".

Bị can Doãn Quý Phiến được áp dụng biện pháp tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngay sau khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố tài xế Doãn Quý Phiến, dư luận đã đặt ra câu hỏi, tại sao cùng một tội danh Vô ý làm chết người, ông Phiến được tại ngoại, trong khi bà Quy bị bắt tạm giam?

Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Bị khởi tố cùng tội danh, vì sao tài xế Phiến được tại ngoại, bà Quy bị tạm giam? - Ảnh 1.

Bà Quy và ông Phiến bị khởi tố cùng tội danh "Vô ý làm chết người".

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đinh Minh Tảo, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đối với trường hợp ông Phiến, sự việc đã khá rõ ràng, lời khai của ông Phiến logic với sự việc xảy ra vì thế không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà chỉ ngăn chặn đi khỏi nơi cư trú.

Đối với trường hợp bị can Nguyễn Bích Quy, trong quá trình điều tra có nhiều tình tiết bà Quy nêu ra không có sự logic vì thế việc điều tra phải cặn kẽ và cần áp dụng biện pháp tạm giam.

"Cơ quan chức năng đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ, thống nhất với VKS mới có căn cứ quyết định chuẩn xác", ông Tảo cho hay.

Cơ quan điều tra xác định trong vụ án có trách nhiệm của tài xế Doãn Quý Phiến khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Nguyễn Bích Quy. Hậu quả cháu L. bị bỏ quên trên chiếc Ford Transit mang BKS: 29B - 069.56 suốt 9 tiếng trong ngày 6/8.

Theo giám định pháp y chính thức, cháu L.H.L. chết do suy hô hấp, tuần hoàn sốc nhiệt trong không gian giới hạn. Kết quả giám định cũng loại trừ nguyên nhân bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong do tác động ngoại lực.

Trước đó, ngày 27/8, Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy, nhân viên đưa đón trong vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong về tội Vô ý làm chết người.

Tạm giam được quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, tạm giam được áp dụng với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền còn có thể áp dụng biện pháp tạm giam trong các trường hợp sau đây:

- Đối với tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà hình phạt tù trên 2 năm khi:

+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vẫn vi phạm

+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can

+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn

+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội

+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật

+ Tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án

+ Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này

- Đối với tội ít nghiêm trọng mà hình phạt tù đến 2 năm nếu tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.