Ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm khủng bố đã tấn công và nắm quyền kiểm soát 4 chiếc máy bay dân sự. Chúng đã điều khiển 2 trong số 4 chiếc máy bay lần lượt lao vào 2 tòa tháp đôi nằm trong Trung tâm Thương mại Thế giới World Trade Center của thành phố New York tráng lệ. Sau đó, chúng tiếp tục sử dụng chiếc máy bay thứ 3 như một vũ khí nhằm tấn công vào Lầu Năm Góc. Chiếc máy bay còn lại, mặc dù những hành khách trên máy bay đã khống chế được tên khủng bố, tuy nhiên nó đã rơi tự do ở Pennsylvania.
Nơi hai tòa tháp đôi từng sừng sững hiên ngang nhìn ngắm sự chuyển mình của nước Mỹ, bình minh xanh trong đã bị bao phủ bởi một đám mây u ám, của khói, bụi, của mất mát và ra đi. 2.977 người tại New York, Virginia và Pennsylvania đã nằm xuống với đất mãi mãi.
Ngày 11 tháng 9 của gần 2 thập kỷ trước đã qua đi, 1/4 người dân nước Mỹ, những người còn đang ở độ tuổi rất trẻ, có lẽ sẽ không thể hình dung được hết cảnh tượng kinh hoàng ngày hôm đó. Thế nhưng với những người đã biết, họ chắc chắn sẽ không muốn quên sự kiện đau thương này bởi đã có quá nhiều sinh mệnh đã phải bỏ mạng, hàng ngàn cuộc sống gia đình đã bị thay đổi mãi mãi.
Ngày 11 tháng 9 năm nay, chúng ta hãy cùng xem lại những bức ảnh về ký ức kinh hoàng của cuộc tấn công đẫm máu năm ấy.
Sừng sững tại Trung tâm Thương mại Thế giới World Trade Center, tòa tháp đôi Twin Towers là hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với những người dân sống tại thành phố New York. Mỗi sáng sớm bước ra khỏi nhà và tới văn phòng, hai "anh chàng cao kều" ấy là điều mà họ nhìn thấy đầu tiên. Cứ như thế, hàng mấy thập kỷ trôi qua.
Thế nhưng, buổi sáng ngày 11 tháng 9, một ngày lẽ ra thành phố New York sẽ ngập tràn ánh nắng, 8:46 phút, một trong hai tòa tháp đôi bắt đầu bốc cháy, khói đen tỏa ra nghi ngút. Chỉ một vài phút sau đó, 9:03, chiếc máy bay thứ 2 tấn công tòa tháp còn lại.
Hình ảnh này được phóng viên kỳ cựu Richard Drew của AP ghi lại vào 9h 40 phút sáng 11/9/2001 tại Tòa tháp phía bắc, Trung tâm thương mại thế giới thời điểm nó đổ sụp trong vụ khủng bố đẫm máu. Người đàn ông không rõ mặt cũng không rõ danh tính, cô độc, cùng quẫn và tuyệt vọng, gieo mình ra khỏi tòa nhà đang bốc cháy dữ dội. Nhưng "Falling man" chỉ là một trong hơn 200 người chọn cách nhảy lầu quyên sinh thay vì chết cháy.
Những người bên trong tòa tháp trèo ra ngoài cửa sổ ở độ cao hơn 320m so với mặt đất vì khói và sức nóng từ đám cháy.
Tòa tháp phía nam của Trung tâm thương mại quốc tế đổ sập vào lúc 9h59 phút giờ địa phương, khiến nhiều người có mặt tại khu vực phía dưới thiệt mạng.
Tổng thống George W. Bush nhận được tin báo khẩn cấp về vụ tấn công khi ông đang tham dự sự kiện giáo dục tại một trường học. Biểu cảm trên khuôn mặt của ông lúc đó đã nói lên mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Tác động khủng khiếp của 2 chiếc máy bay đã tàn phá và đâm xuyên qua các kết cấu thép của 2 "người khổng lồ". Sức nóng từ đám cháy bùng phát đã khiến phần trên của 2 tòa tháp bị kéo xuống và đổ sập. Toàn bộ các chuyến bay qua không phận Mỹ được lệnh hạ cánh khẩn cấp, thay vào đó hàng loạt máy bay quân sự được điều động.
Hàng ngàn người đã bị mắc kẹt trên những tầng cao nhất của tòa tháp. Nhiều người đã chết ngay khi hai chiếc máy bay tấn công và nhiều người nữa đã tử nạn do cháy, do tòa tháp sụp đổ. Trong hình ảnh được ghi lại, để thoát khỏi đám cháy và khói độc, một vài người đã phó mặc mạng sống của mình cho tử thần, bất chấp nhảy từ trên cao xuống.
Giữa khoảng trời New York trong xanh, hai tòa tháp như hai ngọn đuốc đang cháy tàn. Khói đen và bụi từ đám cháy theo gió bay ra các cảng biển xung quanh và đến những nơi khác của nước Mỹ như để báo tin.
Sau 2 cú đâm như "trời giáng", 2 "gã khổng lồ" đã bị hư hại nặng nề về cấu trúc, do đó việc sụp đổ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không ai trong đám đông hỗn loạn tại World Trade Center nghĩ tới hay mong đợi điều này, để rồi lại một lần nữa bị bất ngờ khi tòa tháp thứ 2 từ từ ngã xuống, đem theo đám khói và bụi tỏa ra khắp một vùng rộng.
Lửa bùng cháy dữ dội nhiều giờ và chỉ nguội bớt sau nỗ lực dập tắt trong nhiều ngày của lực lượng cứu hỏa. Hết lửa, hai tòa tháp đôi chỉ còn lại là một đống đổ nát với sắt thép và đất bụi ngổn ngang. Hàng loạt các tuyến phố xung quanh đã phải đóng cửa nhằm phục vụ công tác cứu hộ và thu dọn.
Khu vực xung quanh World Trade Center đã bị phá hủy hoàn toàn. Khói và bụi bao trùm một vùng không gian. Không thể thống kê hết được số phương tiện giao thông và phương tiện cứu hộ đã bị hư hỏng.
Bi kịch hiển hiện ở khắp mọi nơi. Hình ảnh các nhân viên của Sở Cứu hỏa thành phố New York đưa thi thể của đức cha Rev. Mychal Judge ra khỏi đống đổ nát đã khiến nhiều người xúc động, ông chết bởi những mảnh vỡ của tòa tháp đổ sập.
Mặt tiền của một trong hai tòa tháp đôi, những gì ít ỏi còn lại sau cuộc tấn công kinh hoàng.
Hai tòa tháp hùng vĩ với 110 sàn/tòa chỉ còn lại là đám tro bụi. Phải mất hàng tháng trời lực lượng cứu hộ mới có thể di chuyển đống thép ngổn ngang này.
Toàn bộ lực lượng của Sở Cứu hỏa thành phố New York đã được huy động nhằm chạy đua với thời gian để cứu những người may mắn còn sống nhưng bị mắc kẹt trong đống đổ nát. 348 người lính cứu hỏa đã hi sinh để mang lại hy vọng cho người khác.
Không thể kìm nổi cảm xúc khi mất mát quá lớn, người lính cứu hỏa này đã bật khóc.
Những ngày sau khi cuộc tấn công xảy ra, lực lượng cứu hộ từ các bang lân cận cũng được huy động. Hình ảnh thi thể của các nạn nhân xấu số lần lượt được đưa ra từ bãi đổ nát khiến người ta không khỏi chạnh lòng.
Hàng nghìn người thân của các nạn nhân của cuộc tấn công đã đăng hình ảnh bạn bè và người thân trong tuyệt vọng.
Rất nhiều người dân New York xuống đường cổ vũ tinh thần và tiếp thêm động lực cho lực lượng cứu hộ.
Giới hạn của cuộc tấn công không chỉ gói gọn ở World Trade Center, chiếc máy bay thứ 3 lao vào Lầu Năm Góc cũng đã cướp đi sinh mạng của 125 người vô tội.
Cảnh tượng ở Lầu Năm Góc cũng kinh hoàng không kém. Tuy nhiên, điều may mắn là những tòa nhà ở đây vẫn trụ vững.
Gần 2 thập kỷ trôi qua kể từ ngày 11 tháng 09 năm 2001, nơi hai "gã khổng lồ" nằm xuống, nay là Ground Zero, đã mọc lên một tòa tháp mới cùng với đài tưởng niệm những người đã nằm xuống. Hàng ngày có tới trăm lượt người qua lại ở đây, đông vui nhộn nhịp là thế nhưng nó không thể khiến người dân nước Mỹ quên đi ngày dài khủng khiếp ấy.
(Nguồn: BI)