Vụ mang thai hộ xuyên Quốc gia: Tiền tỷ vào túi ai? - Ảnh 1.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị nghiêm cấm. ẢNH MINH HỌA

Thủ đoạn tinh vi

Công an TPHCM đã ra lệnh bắt tạm giam các đối tượng gồm: Cai GuoLin (SN 1982, quốc tịch Trung Quốc), Hoàng Thị Thu Trang (SN 1992, quê ở Đắk Lắk), Triệu Thị Hằng (SN 1978, quê ở Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1995, quê ở Nam Định) để điều tra về hành vi "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” theo Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Liên quan tới vụ đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia vừa bị triệt phá, Công an TPHCM cho biết, đây là đường dây mang thai hộ hoạt động xuyên quốc gia, có thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Dù hoạt động chưa lâu nhưng có cách thức bài bản, chuyên nghiệp.

Điều tra sơ bộ cho hay, Cai GuoYong (Quốc tịch Trung Quốc, chưa rõ lai lịch) có một phòng khám vô sinh tại Trung Quốc, tổ chức hoạt động mang thai hộ, mục tiêu nhắm đến là tuyển chọn phụ nữ Việt Nam. Đối tượng này điều động 2 người làm công tại phòng khám là Cai GuoLin và Cai GuoFang sang Việt Nam tìm phụ nữ mang thai hộ, giá đưa ra là 300 triệu đồng/trường hợp.

Cai GuoYong hướng dẫn 2 “đàn em” đến một phòng khám ở quận Cần Giấy (Hà Nội) tìm “người quen” là bác sĩ A để nhờ tìm người phiên dịch. Trong đó, Cai GuoLin từng có thời gian làm việc tại phòng khám này.

Từ bác sĩ A, Cai GuoLin đã gặp Hoàng Thị Thu Trang - là y tá tại phòng khám này nhờ làm thông dịch viên. Biết mục đích sang Việt Nam của Cai GuoLin là tìm phụ nữ mang thai hộ thì Trang tham gia tích cực, có vai trò chính trong đường dây.

Đến nay, cơ quan công an làm rõ, thủ đoạn của nhóm là liên kết giữa các đối tượng người Trung Quốc với một số người nhằm tìm một số phụ nữ Việt có hoàn cảnh khó khăn, gạ mang thai hộ để nhận khoản tiền hàng trăm triệu đồng. Các đối tượng sẽ đưa những phụ nữ này qua Campuchia thực hiện việc cấy phôi thai từ tinh trùng và trứng người khác vào cơ thể người mang thai hộ.

Theo cơ quan công an, nếu không khám phá sớm thì đường dây mang thai hộ này sẽ phát triển thành nhiều nhánh như dạng đa cấp và có rất nhiều phụ nữ ở các tỉnh, thành khác tham gia vào trở thành mắt xích, hoặc trở thành nạn nhân mang thai hộ.

Cơ quan công an xác định, đường dây này đã thực hiện môi giới thành công một trường hợp mang thai hộ. Đó là đối tượng Hằng giới thiệu một phụ nữ cho Cai GuoLin đưa sang Campuchia cấy phôi thai. Phi vụ này Cai GuoLin đưa cho Hằng 300 triệu đồng.

Hằng đưa lại cho người mang thai hộ 280 triệu đồng, còn lại Hằng hưởng lợi bất chính. Tại thời điểm công an triệt phá đường dây, người mang thai hộ nói trên đang dưỡng thai tại Trung Quốc.

Phụ nữ trong đường dây mang thai hộ khai gì?

Vụ mang thai hộ xuyên Quốc gia: Tiền tỷ vào túi ai? - Ảnh 2.

Luật sư Vũ Tuấn. ẢNH: H.CHI

Sáu phụ nữ trong đường dây mang thai hộ khai rằng, do cần tiền tiêu xài nên họ lên mạng xã hội Facebook đăng tin tìm người để mang thai hộ.

Sau đó, từ một trang Facebook, Mai Anh cho số điện thoại để những phụ nữ có nhu cầu liên lạc với Mai Anh. Qua điện thoại, Mai Anh hướng dẫn các phụ nữ đến Bến xe Giáp Bát (TP Hà Nội) rồi cho người ra đón.

Tất cả những người này được đưa về một khu trọ gặp Mai Anh, Trang và Hằng. Tại đây, họ được người của Mai Anh đưa đi khám sức khỏe. Sau khi kết quả khám sức khỏe đạt yêu cầu, các phụ nữ được thông báo hình thức, chi phí việc mang thai hộ ở Campuchia đồng thời ứng trước 5 triệu đồng.

Hoàng Thị Thu Trang khai nhận, tháng 9/2018 vào làm việc tại phòng khám ở quận Cầu Giấy và quen với Cai GuoLin. Sau đó thông qua Trang, Cai GuoLin biết Hằng và nhóm này lập đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia.

Từ những lần tiếp xúc, Hằng đã giới thiệu cho nhiều phụ nữ mang thai hộ thành công. Những phụ nữ mang thai hộ được hưởng 50 triệu đồng, số còn lại Trang, Hằng và Mai Anh hưởng lợi.

Theo cơ quan chức năng, đây là vụ án mang thai hộ trái phép xuyên quốc gia đầu tiên bị triệt phá tại Việt Nam. Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Tuấn - Công ty TNHH Tư vấn luật Hưng Việt (Hà Nội). Luật sư Vũ Tuấn cho biết, việc “mang thai hộ” không còn mới ở Việt Nam. Hiện nay, các cặp vợ chồng lâm vào hoàn cảnh vô sinh hoặc hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng tăng. So với Luật Hôn nhân và Gia đình trước đây, thì việc mang thai hộ bị cấm hoàn toàn, nay Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã “mở một cửa” giúp cho những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh vô sinh, hiếm muộn có thêm hy vọng vào tiếng cười trẻ thơ, tránh đổ vỡ trong hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã tạo ra hành lang pháp lý an toàn khi chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và cần đạt những điều kiện cụ thể mới có thể thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là cách tốt để bảo vệ quyền bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam, đồng thời cũng đảm bảo các vấn đề về nhân quyền cơ bản của con người theo Hiến pháp và pháp luật.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ 2 khái niệm về việc này: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.

Pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 5 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Đồng thời cũng đưa ra chế tài xử phạt hành vi này như một loại tội phạm, hình phạt tuỳ theo mức độ vi phạm, các đối tượng có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, hoặc thêm vào đó là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, luật sư Vũ Tuấn cho biết thêm, vì hành vi phạm tội của các đối tượng này được thực hiện ở cả Việt Nam, Lào và Trung Quốc mà 2 trong số các đối tượng có quốc tịch Trung Quốc nên cần xem xét tới các quy định về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Trung Quốc để có thể áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam trong công tác xét xử các đối tượng này.

Điều 187, Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.