Sáng ngày 28/6, đề Ngữ Văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được đăng tải lên mạng xã hội vào lúc hơn 8h, tức chỉ sau khi bắt đầu thi môn này được 25-30 phút. Hơn một triệu thí sinh làm bài môn Ngữ văn từ 7h35, thời gian kết thúc bài vào 9h35. Thí sinh được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau hai phần ba thời gian, tuy nhiên trong trường hợp này các em phải nộp hết cả đề thi và giấy nháp. Điều này đồng nghĩa đề thi sẽ không được mang ra khỏi phòng thi trước 9h35.

Vụ nghi vấn lộ đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2023: Người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh đề thi lan truyền trên mạng sáng nay

Trước thông tin đề thi bị lộ ra ngoài như vậy, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc xác minh. Hiện nay, các đơn vị chức năng của Bộ công an cần phải điều tra xác nhận làm rõ thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.

Chia sẻ với Phóng viên, Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, đề thi THPT quốc gia được áp dụng cho tất cả các thí sinh tốt nghiệp trên phạm vi cả nước và thuộc phạm vi bí mật của nhà nước.

Căn cứ Điều 1 Quyết định số 809/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ ''đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai'' nằm trong danh mục bí mật của nhà nước.

Vụ nghi vấn lộ đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2023: Người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Hoàng Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH AEC, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Như vậy, các tài liệu có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia chưa công khai nằm trong danh mục bí mật của Nhà nước trong ngành giáo dục. Nếu một cá nhân làm lộ ra thông tin mà chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố thì được coi là hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi mà thực hiện việc truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân làm lộ thông tin. Cá nhân có hành vi làm lộ bí mật nhà nước có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, đối với tổ chức bị phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Theo luật sư Hoàng Vũ, nếu giáo viên là người trực tiếp ra đề thi, những người trong Hội đồng ra đề thi, hoặc giám thị coi thi có hành vi làm lộ đề thi cũng bị coi là có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi tuyển sinh.

Căn cứ vào khoản 5 Điều 15 Nghị định 79/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, người có hành vi làm lộ đề kiểm tra, đề thi sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 25 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, hình thức kỷ luật cao nhất áp dụng đối với cán bộ là bãi nhiệm, với công chức và viên chức là buộc thôi việc.

Ngoài ra, thí sinh dự thi nếu vi phạm quy chế thi, để lọt đề thi ra ngoài trước khi hết 2/3 thời gian làm bài có thể bị xử lý theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có thể bị áp dụng hình thức xử phạt là đình chỉ thi hoặc các hình thức khác. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Trường hợp hành vi làm lộ bí mật nhà nước có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước" theo quy định tại các Điều 337, 338 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Với hành vi làm lộ đề thi THPT (nằm trong danh mục bí mật nhà nước thuộc độ tối mật), mức phạt tù cao nhất mà người phạm tội có thể phải đối mặt là 10 năm tù với lỗi cố ý; hoặc 7 năm tù với lỗi vô ý.

Ngoài ra, nếu cá nhân có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm lộ đề thi; thực hiện hành vi này vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.