Liên quan đến vụ "Người mẹ gõ cửa từng nhà tìm nguyên nhân cái chết của con", bà Chu Thị Kim Phượng (SN 1979, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, Lâm Đồng) cho biết vẫn đang mong chờ kết luận chính thức của Công an quận Gò Vấp về vụ tai nạn khiến con gái bà qua đời.
Đoạn đường xảy ra tai nạn
Liên quan đến tình huống pháp lý về giải quyết tin báo tố giác tội phạm, theo những dữ liệu trên báo chí thì Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM kết luận: "Không đủ cơ sở kết luận các dấu vết còn lại trên xe máy. Không đủ cơ sở kết luận giữa xe ô tô biển số 61C-267.xx và xe máy có va chạm với nhau hay không".
Ở đây, chúng ta cần lưu ý là vấn đề thời gian. Đó là 44 ngày sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan tiến hành tố tụng của quận Gò Vấp mới tiến hành khám xét phương tiện. Ô tô tải bỏ đi khỏi hiện trường, sau đó thì bị tạm giữ trong 1 vụ việc khác, cũng bị tác động, rồi bảo quản ngoài trời với điều kiện khí hậu ở nước ta… và chiếc xe mô tô của nạn nhân cũng vậy. Vì thế, để khám xét và giám định tìm ra nguyên nhân là vô cùng khó khăn, có thể nói là bế tắc.
Điều 3 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định về nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông như sau: Tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện.
Nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông được quy định tại Điều 8 Thông tư 63/2020/TT-BCA. Cụ thể, tiến hành điều tra, xác minh có hay không có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.
Còn tại Điều 18 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định về thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông thì CSGT phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn 7 ngày đối với các vụ việc không có dấu hiệu tội phạm.
Trường hợp vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm thì có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông.
Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn. Việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Ở đây, chúng ta thấy rằng lực lượng CSGT quận Gò Vấp đã có những chậm trễ nhất định trong việc thụ lý vụ việc ban đầu, sau đó hồ sơ vụ việc mới chuyển qua Cơ quan CSĐT quận Gò Vấp... Nên hiện trường ban đầu và việc truy tìm phương tiện, nhân chứng diễn ra hết sức chậm.
Đối với một vụ tai nạn giao thông, ngoài phương tiện thì còn có rất nhiều nguồn chứng cứ khác để thu thập, như dữ liệu camera xung quanh khu vực xảy ra tai nạn, nhân chứng trực tiếp, gián tiếp, biên bản hiện trường, giám định pháp y...
Khoảng 21 giờ ngày 12-6, chị Trịnh Thị Kim Diệu lưu thông trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) thì gặp nạn. Lúc xảy ra tai nạn, người dân tên T. đã bám theo chiếc xe tải liên quan, ghi lại biển kiểm soát là 61C-267… Người dân đã đưa chị Diệu đi cấp cứu nhưng chị nạn nhân qua đời 12 ngày sau đó.