Còn hơn một tháng mới đến Tết Đinh Dậu 2017, hàng hoá vẫn đang trong giai đoạn nhập về chuẩn bị tiêu thụ dịp cuối năm. Tuy vậy, thị trường thực phẩm đã hoạt động rất sôi nổi, các mặt hàng như rau củ, trái cây, thuỷ sản sấy khô đã bắt đầu được người dân tìm mua. Đến hẹn lại lên, cứ đến khoảng thời gian này, ngôi chợ Campuchia lớn nhất Sài Gòn (đường Lê Hồng Phong, Q.10) lại trở nên nhộn nhịp khi nhiều người Sài Gòn đến săn lùng đặc sản vùng Biển Hồ.
Đặc sản Campuchia hút khách Sài Gòn.
"Vũ nữ chân dài" được ưa thích
Quán Tư Xê tại chợ Campuchia có tuổi đời hơn 40 năm. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với món bún Num-Bo-Chóc, đặc sản "có một không hai" của đất nước chùa tháp mà còn là địa chỉ được xem như "thương hiệu độc quyền" để mua các loại khô chính gốc Campuchia.
Chị Mai, chủ sạp khô ở chợ Campuchia cho biết khô trâu là loại khô mới xuất hiện vài năm nay.
Chị Ngô Thị Thanh Mai (43 tuổi), người hiện trực tiếp quản lý sạp hàng cho biết, bình thường đầu ra đã ổn định, đến cận Tết thì bán không kịp thở, nên năm nào cũng phải dự trữ sẵn vài trăm ký khô. "Khô nào cũng bán được, nhưng khách đặc biệt ưa thích "Vũ nữ chân dài" (khô nhái) và khô cá lóc Biển Hồ" – chị nói.
"Vũ nữ chân dài" (tên thường gọi của khô nhái Campuchia).
Khô cá lóc Biển Hồ.
Khô cá tra biển hồ sau khi chuyển từ Campuchia về Việt Nam sẽ được chủ hàng phơi khô khoảng 3 ngày trước khi đưa vào tiêu thụ.
Bình thường, giá cho một ký khô "vũ nữ chân dài" chỉ khoảng 350.000 đồng nhưng đến Tết hàng khan hiếm nên tăng lên đến 500.000 đồng/kg. Khô cá lóc biển hồ giá cũng khá cao, khoảng 350.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại khô như khô cá sặc, khô cá trá biển hồ, khô cá trèn sấy cũng được ưa chuộng.
Một phụ nữ đang chọn"Vũ nữ chân dài".
Ngoài
"vũ nữ chân dài", khô trâu – loại khô mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây
cũng rất hút khách. Chị Mai tiết lộ, đây thực chất là khô bò nhưng được tẩm ướp
mùi vị trâu nên người ta quen miệng gọi vậy. Loại khô này giá cũng khá chát,
lên đến 500.000 đồng/kg nhưng bán được đến 15-20kg mỗi ngày. Ưu điểm của khô
này là có thể bảo quản được lâu, nướng lên ăn ngay mà không cần chấm thêm gia vị.
Kiếm bạc triệu mỗi ngày tiền bán khô Tết
Theo chị Mai, đối tượng đến mua khô rất đa dạng, từ người dân cạnh đó mua lẻ về ăn đến khách mua sỉ, kể cả khách nước ngoài. "Nhiều người nghĩ khách mua khô chắc toàn mấy ông nhậu nhưng không phải, người ta mua để dùng Tết, biếu Tết mới là chủ yếu. Việt Kiều cuối năm về nước mua khô cũng khá nhiều, nhất là các nước Úc, Bỉ và Pháp. Họ đặt mua trước một tuần lễ với số lượng lớn, đóng gói rồi mang đi".
Khách tìm đến tận nhà chủ hàng để mua khô.
Chị Tiên (21 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết cuối năm rồi nên tìm đến chợ Campuchia để mua khô cá lóc về cho gia đình và tặng bạn bè, sếp trong công ty. "Năm nay mình mua 5kg, dù giá hơi mắc nhưng rất đáng đồng tiền vì khô ngon, chất lượng đảm bảo" – chị nói.
Còn anh Hiếu (48 tuổi) cho biết phải chạy từ nhà ở chợ An Đông (Q.5) sang chợ này mua cho được bó lá sầu đông Campuchia (khác sầu đông Việt Nam) về bóp gỏi ăn với khô. "Tết ăn thịt cá hoài ngán lắm, có khô đặc sản này thì còn gì bằng" – anh cho biết.
Anh Hiếu thường đến chợ mua khô để thưởng thức cùng gia đình.
Chị Mai chỉ khách cách bảo quản khô cá lóc trong hộp nhựa. Việc có thể để lâu sử dụng lâu dài cũng là một thuận lợi để các loại khô được ưa chuộng.
Với
cả trăm lượt khách một ngày, lượng khô mà chị Mai cùng gia đình bán được rất "khủng",
thu tiền triệu mỗi ngày. Cuộc sống của gia định chị nhờ vậy cũng ổn định hơn.
Dù khá bận rộn nhưng người phụ nữ cho biết đây vẫn chưa phải lúc bán chạy nhất.
"Từ rằm tháng chạp đến 23, 24 Tết mới là
đỉnh điểm. Ai không đặt trước sẽ không còn khô giao nữa" – chị Mai chia sẻ.
Mắm ba khía (trên) và lạp xưởng chua (dưới) cũng được khá nhiều người chọn mua trong dịp Tết.
Ngoài
các loại khô, lạp xưởng chua, lạp xưởng Xiêm Riệp, đường phèn Campuchia cũng
đang bán khá chạy tại chợ Campuchia. Dự kiến, nhu cầu sử dụng các loại đặc sản
này sẽ tiếp tục cao trong khoảng thời gian sắp tới.