Vụ ô tô tông 17 xe máy: Nguy cơ và bài học cho người cao tuổi khi lái xe - Ảnh 1.

Ông Hoàng Ngọc Vĩnh ( sinh năm 1960) - tài xế ô tô trong vụ tai nạn đâm liên hoàn 17 xe máy làm 22 người bị thương tại ngã tư Võ Chí Công- Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông” để điều tra

Người cao tuổi có được lái xe?

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi... Bên cạnh đó, độ tuổi tối đa của người lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam. Như vậy, người cao tuổi, về hưu vẫn được phép lái xe ôtô nếu đảm bảo điều kiện về sức khỏe và còn thời hạn của Giấy phép lái xe.

Về vấn đề sức khỏe, tại phụ lục số 1 về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe ban hành theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT/BGTVT-BYT, quy định về các điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng. Trong đó có quy định người mắc bệnh tăng huyết áp khi có điều trị mà huyết áp tối đa xấp xỉ 180mmHg và/hoặc tối thiểu xấp xỉ 100mmHg; huyết áp thấp (huyết áp tối đa < 90mmHg) kèm theo tiểu sử như chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc ngất xỉu, sẽ không đủ điều kiện.

Nói thêm về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, về tuổi tác, sức khỏe của lái xe đã quy định rõ trong luật giao thông. Do đó, chỉ những người đủ điều kiện thì mới được dự thi hoặc đổi Giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, Giấy phép lái xe cũng thường có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm tùy theo hạng phương tiện mà họ lái. Cụ thể, trong vụ tai nạn vừa qua ở Tây Hồ (Hà Nội), với độ tuổi của tài xế, nếu đủ điều kiện về sức khỏe thì cơ quan Nhà nước, ở đây là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ gia hạn Giấy phép lái xe.

“Nếu sức khỏe không đảm bảo, mà điều khiển phương tiện thì sẽ nguy hiểm đến chính bản thân họ và những người khác trên đường”- Thượng tá Quỹ nói và cho biết việc này sẽ đảm bảo an toàn cho không chỉ chính người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo Thượng tá Quỹ, việc người điều khiển phương tiện không đủ sức khỏe khi cầm vô lăng điều khiển xe là thiếu trách nhiệm với chính mình. Do đó, khi nhận thấy không làm chủ được hành vi, kiểm soát, xử lý được tình huống bất ngờ thì nên chủ động di chuyển bằng taxi, xe buýt… Đây cũng là nét văn hóa khi tham gia giao thông. “Hiện nay người trên 60 tuổi đã được miễn phí khi đi phương tiện công cộng” - Thượng tá Quỹ chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho biết, hiện nay, những người nghỉ hưu, lớn tuổi thì vẫn được lái xe cá nhân (không kinh doanh dịch vụ) nhưng vấn đề về kiểm tra, cấp Giấy khám sức khỏe cần được quản lý chặt. Cụ thể, khi kiểm tra sức khỏe thì tài xế phải khai báo trung thực và có sự kiểm tra theo quy định của ngành y tế để cho ra kết quả chính xác nhất. Do đó, nếu phát hiện người được cấp Giấy khám sức khỏe có bệnh nền không đảm bảo sức khoẻ dự thi, đổi bằng lái xe thì phải xem xét trách nhiệm của nơi cấp giấy. Bởi những người có bệnh về huyết áp, tim mạch khi lái xe rất nguy hiểm, họ không thể linh hoạt xử lý tình huống trên đường.

Bài học đắt giá

Liên hệ tới vụ tai nạn vừa qua ở Tây Hồ (Hà Nội), luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các tình tiết của vụ án, cụ thể là nguyên nhân vụ tai nạn, xác định hành vi của người đàn ông này từ khi mất kiểm soát phương tiện cho đến khi vụ việc xảy ra. Đặc biệt là khả năng nhận thức và xác định hậu quả thiệt hại về tài sản, sức khỏe của những người bị hại làm căn cứ và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...

Luật sư Cường cho rằng, vụ án là bài học cho những người lớn tuổi, phản xạ kém khi điều khiển phương tiện giao thông. Đối với những người cao tuổi, người mà khả năng quan sát, xử lý tình huống kém thì việc lái xe, tham gia giao thông phải rất thận trọng để tránh nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.