(Tổ Quốc) - Không giống như các chính phủ ở châu Âu hay Mỹ, các nước Mỹ Latinh không sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không.

Hầu hết các hãng hàng không lớn ở Mỹ như United, Delta và American Airlines đều đã tạm thời tránh được "thảm họa chết người" nhờ gói giải cứu 25 tỷ USD của chính phủ liên bang. Cuối tuần qua, hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng nhận được gói cứu trợ 9,8 tỷ USD, đổi lấy 20% cổ phần và 2 ghế trong hội đồng giám sát của công ty.

Tuy nhiên, Latam Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai ở Mỹ Latinh, không may mắn như vậy khi vừa phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chapter 11. Đây là hãng thứ hai ở khu vực này trở thành nạn nhân của Covid-19 trong tháng này.

Vụ phá sản hàng không vì Covid-19 lớn nhất thế giới: Từng lớn thứ hai thế giới theo giá trị vốn hóa, hoàn toàn khỏe mạnh và có lợi nhuận tốt ở thời điểm trước dịch - Ảnh 1.

Theo tài liệu nộp lên tòa án New York hôm qua, Latam cho biết dự định sẽ tiếp tục vận chuyển hành khách và hàng hóa trong khi bước vào quá trình tái cấu trúc.

"Latam bước vào thời kỳ đại dịch với tư cách là 1 hãng hàng không có lợi nhuận và hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng hoàn cảnh đặc biệt đã dẫn đến nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu và không chỉ khiến toàn ngành gần như "đứng im" mà còn làm thay đổi toàn bộ bức tranh ngành hàng không ít nhất là trong tương lai gần", CEO Roberto Alvo của hãng nói.

Latam ra đời năm 2012, là kết quả vụ sáp nhập giữa Lan và Tam, hãng hàng không lớn nhất Brazil. Tại thời điểm đó, Latam từng là hãng hàng không lớn thứ hai thế giới xét theo giá trị vốn hóa.

Sau khi buộc phải hủy 95% số chuyến bay, đến tận tuần trước hãng mới thông báo kế hoạch dần phục hồi đội tàu bay và đặt mục tiêu tăng trưởng 9% trong tháng 6. Hồi tháng 3, các chuyên gia phân tích của JPMorgan ước tính Latam chỉ còn đủ tiền mặt cho 4 tháng nữa nếu tất cả các chuyến bay vẫn bị hủy.

Hãng đã có 2 tháng để đàm phán lại các chi phí, nhưng tình thế khẩn cấp không cho phép họ kéo dài thời gian. Trên toàn cầu, các hãng hàng không đang lo ngại máy bay và các tài sản khác có thể bị tịch biên vì các khoản nợ quá hạn. Tính đến hôm 15/5, Latam đã không thể bỏ lỡ thời hạn trả nợ đối với 3 khoản nợ, thêm vào hãng còn phải thanh toán 187 triệu USD vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Năm ngoái Latam ghi nhận doanh thu 10,4 tỷ USD. Hãng nhận được khoản tín dụng 900 triệu USD từ 3 trong số các cổ đông lớn nhất là Qatar Airways (sở hữu 10% cổ phần), gia tộc Cueto của Chile và gia tộc Amaro của Brazil.

Tính đến cuối tháng 2, nhà Cueto là cổ đông lớn nhất của Latam với 21,46% cổ phần. Delta Airlines – vốn cũng đang trong tình trạng rất khó khăn – là cổ đông lớn thứ hai sau khi mua 20% cổ phần với giá 1,9 tỷ USD vào năm ngoái.

Latam cũng đang đàm phán với chính phủ các nước Chile, Colombia và Peru để cố gắng tìm ra nguồn tài chính mới và tránh sa thải nhân viên. Trước dịch, hãng có chuyến bay tới 125 địa điểm ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Không giống như các chính phủ ở châu Âu hay Mỹ, các nước Mỹ Latinh không sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không bởi ở đây hàng không vẫn được coi là ngành chỉ cung cấp dịch vụ cho người giàu.

Hơn nữa Latam còn rơi vào thế khó về mặt chính trị khi Tổng thống tỷ phú Sebastian Pinera của Chile là 1 cổ đông lớn của Lan, tiền thân của Latam. Trước khi bước vào nhiệm kỳ đầu tiên năm 2010, ông đã bán toàn bộ cổ phần ở đây.

Tập đoàn cho biết các chi nhánh ở Argentina, Brazil và Paraguay không bị ảnh hưởng bởi vụ phá sản. Đăng ký kinh doanh ở Brazil, hãng cho biết đang đàm phán với ngân hàng quốc doanh BNDES của Brazil để tìm kiếm gói cứu trợ khẩn cấp.

Năm ngoái Latam phục vụ gần 69 triệu hành khách và sử dụng khoảng 41.000 nhân viên. Tại thời điểm nộp hồ sơ phá sản, hãng có 1,3 tỷ USD tiền mặt. Ở thời điểm cuối năm ngoái, Latam có tài sản 21,1 tỷ USD và nợ 18 tỷ USD. Thu nhập hoạt động năm 2019 là 742 triệu USD, giảm so với mức 887 triệu của năm 2018.