"Nếu không thử thì làm sao biết mình đi được đến đâu, đó là lý do các thử thách của tôi càng ngày càng xa và càng khó. Suy cho cùng, nó cũng chỉ cách dạy mình rèn luyện cho bản thân để lúc quay về cuộc đời, nếu có ai bảo kế hoạch của mình dở hơi hay khác người, thì lúc đó mình không còn sợ nữa...".
Đúng như cô nói, Thanh, người phụ nữ đến từ châu Á đầu tiên chinh phục 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, đã không còn do dự trước những thử thách mới. Trong năm 2017 và 2018, cô gái Việt sẽ tiếp tục tham gia các giải chạy ultra marathon khắc nghiệt trên các lục địa còn lại mà cô đã đặt mục tiêu chinh phục, bao gồm cả vòng Bắc Cực.
Vũ Phương Thanh, cô gái trẻ mê chinh phục những hành trình đầy thử thách.
Cụ thể vào giữa tháng 5 năm nay, Thanh nhập giải The Track 520km kéo dài 9 chặng, 10 ngày tại châu Úc và giải Ultra-Trail du Mont-Blanc dài 170km (chạy liên tục) tại dãy núi Alps ở châu Âu. Sang năm 2018, Thanh quyết tâm chinh phục giải Artic Ultra dài 230km tại Bắc Cực (5 chặng trong 5 ngày) và cuộc đua Grand to Grand dài 273km tại Bắc Mỹ (6 chặng trong 7 ngày).
Tham vọng của Thanh trong 2 năm tới là để lại dấu ấn của lá cờ Việt Nam trên các giải chạy siêu bền phi thường qua 7 lục địa và vòng Bắc Cực.
Muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
Mục tiêu Thanh đặt ra khi tham gia tất cả thử thách này đó không phải là để trở thành một hình tượng mẫu mực hay đột phá trong giới trẻ. Cô gái Việt muốn chứng minh tinh thần: Không gì là không thể! Bạn có thể chinh phục những thử thách khó nhằn nhất nếu như bạn dám đối mặt với nỗi sợ hãi, sự hoài nghi bản thân cũng như những tác động bên ngoài đã giới hạn mình.
Và quan trọng hơn tất cả: "Tôi muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, không lùi bước trước những thử thách trong cuộc sống. Động lực giúp tôi tiến tới những thử thách lớn hơn là khi tôi trở thành người đầu tiên hoàn thành được những thử thách này. Nó sẽ là sự động viên cho những bạn trẻ khác, những người có nhiều tiềm năng hơn tôi còn tiến xa hơn thế nữa".
Vũ Phương Thanh (sinh năm 1990, tại Hà Nội), là con gái thứ 2 trong gia đình công chức cơ bản ở Hà Nội. Từ ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ Thanh có 1 cuộc sống đáng mơ ước. Cô được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất để học tập, luôn là học sinh gương mẫu, đi du học khi còn khá trẻ.
Thanh không bao giờ an phận với tất cả những điều đó, bởi ngay bên cạnh, luôn có một người khiến cô cảm thấy cần phải vượt qua.
"Sự kiên nhẫn, cá tính thích vươn lên trong tôi cũng có thể bắt nguồn từ việc anh trai của tôi rất thông minh, làm gì cũng tốt, học gì cũng nhanh. Khi lớn lên trong cái bóng của anh mình, cái gì tôi cũng không bằng, chỉ còn cách là cố gắng vươn lên thôi", Thanh tâm sự.
Khi mới đi học nước ngoài, Thanh, cô bé vốn ương ngạnh khi ở nhà, khóc ròng suốt 2 tuần liền vì không theo kịp. Thanh khóc nhiều đến mức bố mẹ cô sốt ruột nên phải hỏi: "Hay thôi, về Việt Nam học tiếp?". Đến lúc này, cô bỗng thấy mình cần mạnh mẽ: "Không, con cố học thêm một chút nữa xem thế nào".
Cố thêm một chút, một chút nữa... và Thanh cũng tự mình đi được đến ngày tốt nghiệp Đại học Schulich (trường đứng top 10 về kinh doanh của thế giới), có một công việc nhận lương hậu hĩnh hàng tháng tại Bloomberg, Singapore.
Mỗi ngày đến công ty, Thanh đều bước qua cái tên Bloomberg được in nổi rất to trên tường. Cô tự hỏi: "Nếu mình cứ cần cù và chăm chỉ để xây dựng giấc mơ cho người khác thế này, cuộc đời mình sẽ ra sao? Có thể nhiều người nói tôi tự cao, tự đại nhưng nếu mình không thử thì sao mình biết mình có thể đi đến được những đâu?".
Khi đứng vào một vị trí người trẻ nào cũng ao ước, Thanh lại chủ động bước ra.
"Ông bà, bố mẹ mình lớn lên trong chiến tranh làm gì có sự ổn định. Lúc nào họ cũng lấy ổn định là cái đích để phấn đấu. Bây giờ, tôi và nhiều người trẻ khác đã sinh ra trong sự ổn định, thì phải nghĩ cách làm thế nào để phát triển được tất cả những tiềm năng mình có. Chúng ta đang ở cái tuổi nên học hỏi, nên phạm sai lầm, nên khám phá. Và nếu có cơ hội thì tại sao không? Bản thân tôi, tôi muốn mình gặp càng nhiều sai lầm càng tốt, càng to càng tốt", Thanh bộc bạch.
Chạy vì lòng tự trọng và kiên trì như một người Việt
Mùi vị đứng bét lớp ở Canada cũng đã dạy cho Thanh rất nhiều điều. Đó là sự khiêm tốn, mặc dù thấy mình yếu kém nhưng vẫn vươn lên. Cũng giống như những chặng đua qua nơi khắc nghiệt mà cô từng chinh phục, bị bỏ lại phía sau cũng không có nghĩa là thua cuộc. Nhưng mong muốn vươn lên của Thanh không cho phép cô mãi mãi là một là một người vô danh trên đường đua.
9X Việt bộc bạch: "Mới đầu tham gia luyện tập, tôi chỉ dám nghĩ đến việc hoàn thành. Riêng việc hoàn thành cũng đã là một thành tích đáng kể. Về đích thứ 50, 100 hay gần chót đối với tôi lúc đó cũng không quan trọng. Nhưng khi bước vào cuộc đua thật sự, tôi nhận ra rằng mình vẫn phải nỗ lực hết mình. Nếu có thể đạt thành tích, nó không phải chỉ cho riêng bản thân mình nữa mà nó như lời cảm ơn dành cho lòng tốt của rất nhiều người đã tin tưởng, ủng hộ và thúc đẩy mình... ".
Sau nỗ lực luyện tập và chuẩn bị, Thanh dần có những thành tích tiến bộ hơn trong những chặng đua. Thanh lại có cơ hội học được nhiều điều mà trước đây, khi ở vị trí đằng sau..., cô chẳng thể biết được.
"Những người dám dấn thân vào thử thách đã là những người có lòng dũng cảm. Nhưng những người đứng đầu trong một chặng đua, họ không chỉ phải dẫn đầu về thể lực mà ý chí của họ còn phải thật rắn rỏi. Họ đối mặt với nhiều áp lực mà ngoài bản thân họ ra, có lẽ không ai có thể cảm nhận hết. Đứng đầu cũng nghĩa là bạn phải dũng cảm duy trì qua cả sức chịu đựng của bản thân mình. Đó có lẽ cũng là một điều đáng học tập", cô gái Việt nhấn mạnh.
Là người Việt duy nhất vượt qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, với Thanh, sa mạc hoang dã và khắc nghiệt nhất lại là nơi tinh thần đồng đội, lòng bao dung và ý chí mãnh liệt của con người được khơi dậy.
Những tình bạn đa phương nảy mầm ngoài sa mạc hoang vu, không có chỗ cho sự kỳ thị về ngôn ngữ và văn hóa mà chỉ có đủ chỗ cho những bản lĩnh phi thường và sự đồng cảm, hỗ trợ lẫn nhau.
Khi được khen giỏi, Thanh cười xòa bảo: "Tôi thấy mình chẳng có gì khác biệt, có chăng đó là tôi còn trẻ. Và tôi cũng không nghĩ mình là người duy nhất muốn vượt lên những cái ngưỡng mà tuổi 20 khao khát".
Thanh cho rằng, sự mạnh mẽ đưa cô qua những thử thách tưởng chừng chỉ cần cố một chút nữa sẽ chết, chính là sự mạnh mẽ quen thuộc mà mọi người phụ nữ Việt đều có.
9X nói: "Nhìn vào những gì mà người phụ nữ Việt Nam đã làm được, tôi thấy mình không phải là người quá khác biệt. Kể cả trong giới chạy, người phụ nữ Canada đầu tiên mà hoàn thành thử thách 4 sa mạc là một người Canada gốc Việt. Hay gần đây, có một cụ bà gốc Việt chạy marathon ở 7 lục địa trong 7 ngày. Tính cách của người Việt là vậy! Lúc nào cũng kiên trì, cần cù, khí phách của họ rất tốt. Nước mình đã trải qua rất nhiều khó khăn trong lịch sử, con người Việt Nam vì thế cũng mạnh mẽ hơn. Và tôi cũng là một trong số họ...".
Ở tuổi 27, Thanh luyện tập 5-6 tiếng/ngày, cô tập chạy 100km một tuần. Hầu hết thời gian cô nghĩ về những giải Ultra sắp tới mà mình phải vượt qua. Nhắc đến chuyện lập gia đình, mắt Thanh long lanh. Cô nói, tất nhiên có một tổ ấm là việc quan trọng nhưng không thể nóng vội.
"Tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều điều, những giải Ultra tôi tham gia khó thật nhưng với tôi, giải Ultra khó nhất là cuộc sống hôn nhân. Tôi không muốn vội vàng. Giống như chạy, nếu bạn chạy nhanh quá mấy ngày đầu thì mấy ngày sau sẽ bị đuối. Tôi nhìn thấy nếu tôi là một người vợ hay người mẹ, thì sẽ cần phải tiến bộ trong nhiều việc lắm. Riêng yếu tố kiên nhẫn tôi cũng còn phải luyện tập nhiều", Thanh vừa cười vừa nói.
Suốt buổi trò chuyện, Thanh nhấn mạnh vai trò là "người đầu tiên" hay "người phụ nữ đầu tiên" ôm giấc mơ chạy qua 7 lục địa vì cô muốn người trẻ hiểu rằng: "Ước mơ không nên bị chặn lại vì chưa từng ai làm, hay do suy nghĩ rằng mục tiêu đó không phù hợp cho lứa tuổi, giới tính hay hoàn cảnh".
Ai cũng có những mong muốn được sống khác và hết mình cho tuổi trẻ, với Thanh, đó là chinh phục các thử thách khó nhằn trên 7 lục địa.
Chạy để hiểu mình là ai, mình cần gì trong cuộc sống này.
Nụ cười thách thức mọi khó khăn.