Ngày 16-4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Phòng Cảnh sát kinh tế vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả hoạt động trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.

14 đối tượng này bị cáo buộc đã sản xuất và tiêu thụ hàng chục nghìn hộp thuốc giả, thu lợi bất chính hơn 200 tỉ đồng. Cơ quan chức năng thu giữ gần 10 tấn tang vật, bao gồm thuốc thành phẩm, hơn 18.000 vỏ hộp, 142 kg nguyên liệu cùng nhiều máy móc phục vụ sản xuất.

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để làm giả hàng loạt loại thuốc như Tetracyclin, Clorocid, Neo-Codion, thuốc “khớp xanh”, thuốc trị thoái hóa, xương khớp...

Vụ thuốc giả quy mô "khủng" hàng trăm tỷ: Chuyên gia cảnh báo 3 hiểm họa nghiêm trọng - Ảnh 1.

Đường dây sản xuất thuốc giả "khủng" bị triệt phá.

3 hiểm họa từ thuốc giả – Chuyên gia cảnh báo

Liên quan đến vụ việc, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga – cho biết: "Làm giả thuốc là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng". Theo bác sĩ Hoàng, có 3 nguy cơ lớn cần đặc biệt lưu ý:

1. Gây dị ứng, tổn thương gan - thận

Thuốc giả có thể chứa hóa chất độc hại, tạp chất hoặc nguyên liệu kém chất lượng. Việc sử dụng những loại thuốc này có thể gây dị ứng, ảnh hưởng gan – thận, hệ thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong nếu bị ngộ độc nặng.

2. Khiến bệnh nặng hơn, mất “thời gian vàng” điều trị

Người bệnh dùng thuốc giả sẽ không được điều trị đúng cách. Ví dụ, người bị nhiễm trùng nếu dùng kháng sinh giả thì bệnh không được kiểm soát, dễ chuyển nặng. Người mắc bệnh xương khớp nếu dùng thuốc giả có thể yên tâm ảo, trong khi bệnh vẫn âm thầm tiến triển.

Thuốc giả thường không chứa đủ hoặc không có hoạt chất điều trị, khiến bệnh nhân mất đi cơ hội chữa trị kịp thời.

3. Làm người bệnh mất niềm tin vào bác sĩ, hệ thống y tế

Việc sử dụng thuốc giả khiến người bệnh hoài nghi về năng lực của bác sĩ, chất lượng điều trị hoặc chất lượng thuốc của doanh nghiệp chân chính. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình khám chữa bệnh và tuân thủ điều trị.

“Khi người bệnh dùng thuốc không hiệu quả, họ dễ nghi ngờ bác sĩ, dược sĩ hoặc hệ thống y tế, ảnh hưởng đến cả quá trình điều trị”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Ngoài ra, thuốc giả còn làm rối loạn thị trường dược phẩm, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp uy tín và khiến công tác quản lý y tế trở nên phức tạp hơn.

Làm sao để tránh mua phải thuốc giả?

Theo bác sĩ Hoàng, việc phân biệt thuốc giả – thuốc thật ngày càng khó khăn vì công nghệ làm giả rất tinh vi, thậm chí ngay cả bác sĩ đôi khi cũng không thể nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên, người dân có thể giảm rủi ro bằng cách:

- Mua thuốc tại nhà thuốc lớn, có giấy phép rõ ràng và dược sĩ tư vấn.

- Tránh mua thuốc qua mạng, hội nhóm, livestream, hoặc quảng cáo với giá rẻ bất thường.

- Ưu tiên thuốc có tem chống giả, mã QR hoặc mã vạch rõ ràng. Có thể dùng ứng dụng điện thoại để quét mã – nếu không hiện thông tin từ nhà sản xuất, nên nghi ngờ.

- Cẩn trọng với bao bì có dấu hiệu bị dán đè, bong tróc, chữ in lệch hoặc nhòe.

- Kiểm tra hạn sử dụng, số lô: nếu bị in mờ, tẩy xóa, hoặc không trùng khớp giữa hộp và vỉ thuốc – cần nghi ngờ là hàng giả.