Liên quan đến sự việc trao nhầm con cách đây 6 năm tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), chị Vũ Thị Hương (SN 1983, Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, thời gian đầu khi biết cháu Đoàn Nhật M. (chị Hương nuôi 6 năm nay) là con anh Phùng Giang Sơn (SN 1990) và Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989) ở Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), chị rất sốc. 

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Đã cho con về nhà mẹ ruột, đến tối con lại khóc đòi về - Ảnh 1.

Bé Đoàn Nhật M. là con đẻ của anh Sơn, chị Hiền nhưng lại bị trao nhầm đến gia đình chị Vũ Thị Hương .

Bây giờ, chị đã bình tâm hơn và đang hợp tác cùng các bên liên quan để giúp các con trở về với bố mẹ ruột thịt của mình. 

Chị Hương cho biết thêm, từ khi biết M. là con đẻ của anh Sơn và chị Hiền, chị đã cho M. tiếp xúc với gia đình bố mẹ đẻ nhiều lần. Chị cũng để cháu M. ở lại nhà anh Sơn và chị Hiền chơi với cả nhà, để mọi người gần gũi nhau. Trong thời gian tới, chị sẽ về Ba Vì làm việc và giúp cháu M. hòa nhập với gia đình anh Sơn cũng như để cháu Phùng Thanh H. hòa nhập với chị. 

Hiện tại, để làm tâm lý cho M. trước khi nhận bố mẹ ruột, chị phải gửi con trai thứ 2 (4 tuổi) ở trên Phú Sơn để có thời gian bên M. và nói cho M. hiểu. 

"Tôi đã nói chuyện với con là M. ơi, người ta nói con không phải là con của mẹ đẻ ra mà con mẹ đẻ ra đang ở chỗ khác. Con là con của bố Sơn, mẹ Hiền. Đây là sự việc trao nhầm con của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì cách đây 6 năm. Thời gian tới, mẹ sẽ đưa con về nhà bố đẻ của con là bố Sơn và mẹ Hiền nhé. Tuy nhiên, mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì mẹ vẫn đứng đằng sau con. Mỗi lần nói với con, tôi thường ngoảnh mặt đi để con không thấy tôi khóc", chị Hương nghẹn lời. 

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Đã cho con về nhà mẹ ruột, đến tối con lại khóc đòi về - Ảnh 2.

Bệnh viện đa khoa Ba Vì nơi xảy ra sự việc.

Cầm tờ giấy lau giọt nước mắt đang lăn trên gò má, chị Hương nói tiếp, chị nhận được một số thông tin nói chị không muốn giao con, hay chưa thỏa thuận được đền bù nên không giao con là hoàn toàn sai và vấn đề bồi thường sẽ để pháp luật quyết định.

Ngoài ra, điều chị mong mọi người hiểu là các cháu đang tuổi mới lớn, nếu không làm tư tưởng tốt, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu sau này. 

Ngoài ra, hai cháu chưa chuẩn bị tâm lý nhận bố mẹ mà vẫn cố tình giao, các con không chấp nhận có thể xảy ra trường hợp các cháu trốn đi và dễ bị lạc. Từ những suy nghĩ trên nên chị Hương đã nói với anh Sơn là cháu M. ở bên nhà chị rồi thì cứ để chị có thời gian ổn định tâm lý cho con nhà em để tốt cho con nhà em thôi chứ không phải cho chị. 

Và mỗi tối, chị Hương thường dạy M. cách đánh vần tên bố Sơn, tên mẹ Hiền cũng như nói chuyện để con hiểu. 

"Tôi nuôi M. 6 năm, trải qua nhiều biến cố cũng có nhiều tình cảm lắm. Gia đình anh Sơn cũng vậy, nuôi cháu H. 6 năm giờ cháu chuyển đi cũng nhớ lắm. Do vậy, chúng tôi sẽ giúp hai con hòa nhập với gia đình mới từ từ và nói cho các con hiểu", chị Hương nghẹn ngào. 

Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Đã cho con về nhà mẹ ruột, đến tối con lại khóc đòi về - Ảnh 3.

Chị Hương nhiều lần phải quay mặt, lau vội nước mắt khi biết sắp phải xa M. - đứa con dù không phải dứt ruột đẻ ra nhưng từng tự tay nuôi nấng 6 năm trời do sự cố nhầm lẫn của bệnh viện.

Nói về việc có đổi tên của con sau khi hai gia đình nhận con đẻ về không, chị Hương cho hay, chị vẫn giữ tên con là Đoàn Nhật M. và thêm tên gọi khác là H. 

Được biết, Phùng Thanh H. đã được chị Hương đưa xuống Hà Nội chơi với chị gần 1 tuần và M. đã được chị Hương đưa về nhà anh Sơn và chị Hiền ở được 1 ngày, đến tối thì khóc đòi về mẹ. 

Chia sẻ về việc chăm sóc Đoàn Nhật M. chị Hường cho hay, nuôi con thì không kể nhưng chị chia sẻ chuyện để mọi người hiểu, chăm sóc được cháu M. như ngày nay rất vất vả. 

Vào tháng 12/2012, khi M. mới sinh được hơn 1 tháng thì có biểu hiện tím tái người và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bác sĩ kết luận M. bị viêm co thắt phế quản, viêm phổi. Sau khi chữa trị xong, gia đình đưa M. về quê (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). 

Từ đó, mỗi tuần gia đình lại phải đưa M. đi điều trị với căn bệnh trên. Lần nặng nhất, gia đình phải đưa M. xuống Bệnh viện Nhi Trung ương nằm gần 10 ngày. Các tay chân của con không lấy được ven nữa mà phải lấy ven ở phần đầu. Sau đó, tình trạng bệnh của M. đỡ hơn, càng lớn M. đỡ phải đi viện mà chỉ dùng thuốc ở nhà. 

"Thời gian M. dưới 4 tuổi, con thường xuyên phải đưa đi bệnh viện điều trị. Từ khi M. được 4 tuổi đến nay, tỉ lệ phải đi viện của con giảm đi", chị Hương nói.

Được biết, thời gian sắp tới, người mẹ này sẽ thu xếp công việc để về quê làm việc, tạo điều kiện cho gia đình thường xuyên đi lại, quen dần, khi đó cả các con và bố mẹ sẽ không còn bị sốc nữa.