Liên quan đến vụ bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê người truy sát với giá 1 tỷ đồng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về những vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc trên.

Vụ vợ cũ bỏ 1 tỷ thuê giang hồ truy sát bác sĩ Chiêm Quốc Thái: Luật sư nêu quan điểm - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường

Theo đó, luật sư Cường cho rằng, vụ việc thuê người "dằn mặt", gây thương tích cho chồng cũ của bà Vũ Thụy Hồng Ngọc với nạn nhân là ông Chiêm Quốc Thái xảy ra đêm 28/3/2018 vừa qua trên phố Nguyễn Huệ, Quận 1, TP HCM là một trong những vụ việc khiến nhiều người ngỡ ngàng và bức xúc.

Vì vậy, dù thương tích của nạn nhân chỉ có 5% thì hành vi của người phụ nữ này và các đối tượng được thuê để gây thương tích cho BS Thái cũng vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm a (dùng hung khí nguy hiểm), điểm L (thuê gây thương tích) và điểm m (có tính chất côn đồ), khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Việc cơ quan cảnh sát hình sự khởi tố, điều tra các đối tượng trên về tội cố ý gây thương tích là có cơ sở.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.

4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trong vụ việc này, luật sư Cường cho rằng, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích gây án, làm rõ tình tiết bà Ngọc thuê người "dằn mặt" (đe dọa, uy hiếp bằng cách gây thương tích) hay là thuê "giết người", giết ông Thái để trả thù, để chiếm đoạt tài sản? Đồng thời phân tích, làm rõ hành vi của các đối tượng, thể hiện mục đích là "truy sát" - muốn giết người, hay chỉ là "dằn mặt" - đe dọa... để có căn cứ xác định đúng tội danh trong vụ án này.

Vụ vợ cũ bỏ 1 tỷ thuê giang hồ truy sát bác sĩ Chiêm Quốc Thái: Luật sư nêu quan điểm - Ảnh 3.

Bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê nhóm giang hồ chém ở lưng và vai

"Nếu kết quả điều tra chứng minh bà vợ ông Thái thuê các đối tượng này giết ông Thái, hành vi của các đối tượng này quyết liệt với mục đích tước đoạt tính mạng của ông Thái thì cơ quan tố tụng sẽ chuyển tội danh sang tội giết người chứ không còn là tội cố ý gây thương tích (mặc dù nạn nhân không chết - trong trường hợp này, nạn nhân không chết là do chạy thoát hoặc được cấp cứu kịp thời).

Động cơ mục đích thể hiện qua lời nói, nội dung thỏa thuận giữa các bên về số tiền 1 tỷ hoặc thể hiện qua các hành vi cụ thể của các đối tượng gây án. Làm rõ động cơ, mục đích để xác định tội Cố ý gây thương tích hay tội Giết người trong vụ án này là điều cần thiết khi buộc tội.

Ngoài ra, trong vụ án này, số tiền 1 tỷ đồng thuê "dằn mặt", "truy sát" sẽ bị tịch thu sung công quỹ vì đây là tài sản bất hợp pháp".

Cũng theo luật sư Cường, vụ việc này chính là bài học cảnh tỉnh đối với những người thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Một quyết định sai lầm trong lúc nóng giận, thù tức có thể kéo theo hậu quả pháp lý ghê gớm, có thể là dấu chấm hết cho cuộc đời, sự nghiệp của người có hành vi sai lầm!