Bệnh nhân chết ngoài bệnh viện
Sáng 15/9, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lầu Sáy Chứ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La liên quan đến bức ảnh gây bão mạng trong thời gian vừa qua.
Ông Chứ cho biết, qua báo cáo của bệnh viện Lao và Phổi Sơn La thì thi thể người phụ nữ được cuốn chiếu chở trên chiếc xe máy được xác định là chị Lò Thị P. (40 tuổi, dân tộc Thái, trú tại xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La). Chị P. có chồng cũng bị HIV đã chết trước đó. Bản thân chị cũng bị nhiễm HIV và bệnh phổi suy kiệt nặng được điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La từ đầu tháng 8. Đến sáng ngày 12/9, do sức khỏe chị P. quá yếu nên gia đình đã xin được đưa bệnh nhân P. được về nhà.
"Theo báo cáo của lãnh đạo bệnh viện, khi bệnh nhân đề nghị ra viện thì các y bác sỹ của Khoa điều trị cũng đã giải thích rõ ràng là trường hợp này cần điều trị nhưng gia đình không đồng ý và xin về. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục theo quy định thì bệnh nhân được xuất viện.
Khi xuất viện thì sức khỏe bệnh nhân cũng yếu nhưng vẫn ổn định, chưa tử vong. Trên đường gia đình đưa về sau đó thì bệnh nhân tử vong và được gia đình đưa về bằng xe máy như trong ảnh. Chứ nếu bệnh nhân tử vong trong bệnh viện nếu gia đình nghèo không có tiền thuê xe bệnh viện sẽ đứng ra hỗ trợ hết mức”, ông Chứ nói.
Đơn của người nhà bệnh nhân.
Về phía Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La, ông Lương Văn Tuận, Giám đốc Bệnh viện cho hay, bệnh nhân trước khi rời khỏi viện chưa tử vong, người nhà xin về, và tử vong trên đường đi.
Ông Tuận nói: “Ngay sau khi nắm bắt thông tin, tôi đã trực tiếp hỏi các khoa phòng thì biết chị P. bị HIV và cả bệnh phổi nặng. Bệnh nhân sau khi vào viện điều trị phía các bác sĩ bệnh viện hỗ trợ hết mức, chăm sóc tận tình cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong lúc điều trị bệnh nhân vẫn thường xuyên có biểu hiện la hét, đòi về. Chúng tôi phải giải thích với người nhà để bệnh nhân lại nhưng người nhà bảo bố của bệnh nhân ngoài 80 tuổi rồi nên muốn đưa chị P. về. Gia đình đã viết đơn xin bệnh viện cho bệnh nhân về. Lúc xuất viện chị P. vẫn hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường, chức năng sống vẫn cao và được người nhà đèo xe máy về. Tuy nhiên, đi được 30km thì bệnh nhân tử vong”.
Ông Tuận cho biết thêm, sự việc trên rất đáng tiếc, và phía bệnh viện không hề hay biết việc người nhà cuốn chiếu đưa thi thể nạn nhân về. “Nếu bệnh viện nắm được chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mức", ông Tuận khẳng định.
Nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường
Chuyên gia y tế cho rằng nếu bệnh nhân đã chết, nhưng không được vận chuyển đúng quy trình thì đó là đang vận chuyển một mầm bệnh ra cộng đồng. Nó có nguy cơ dẫn đến sự lây lan, phát tán từ chính mầm bệnh ấy.
Để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bác sỹ Cấp cho biết, Quy chế bệnh viện đối với bệnh viện hạng I và II quy định: Trưởng khoa hoặc bác sĩ điều trị báo cho khoa giải phẫu bệnh. Sau khi nhận được giấy báo tử, khoa giải phẫu bệnh phải cử người và đẩy xe đến khoa có người bệnh tử vong nhận thi thể người bệnh tử vong đưa về nhà đại thể.
Đối với các bệnh viện khác, viên chức khoa có người bệnh tử vong chuyển thi thể người bệnh xuống nhà đại thể.
Chia sẻ về thủ tục mai táng nếu bệnh nhân mắc bệnh xã hội, bác sỹ Cấp cho biết, thông thường việc mai táng người bệnh tử vong do gia đình người bệnh thực hiện. Tuy nhiên nếu người bệnh tử vong mắc các bệnh truyền nhiễm phải được tẩy uế và do viên chức nhà đại thể khâm liệm, nhập quan.
“Trong trường hợp bệnh nhân tử vong mà bác sĩ xác định là bệnh truyền nhiễm có thể gây lây lan thì thầy thuốc sẽ yêu cầu lưu giữ, xử lý tại nhà xác bệnh viên. Nhưng thầy thuốc chỉ yêu cầu, không có quyền bắt buộc nên khi người nhà bệnh nhân không tuân thủ thì thầy thuốc không được quyền và không thể cưỡng chế. Khi đó họ chỉ có thể báo cho Cảnh sát môi trường xử lý. Việc vận chuyển một mầm bệnh ra cộng đồng có nguy cơ dẫn đến sự lây lan, phát tán mầm bệnh. Những vụ cướp tử thi trong vụ dịch Ebola ở châu Phi là một minh chứng”, bác sỹ Cấp nói.
Rất nguy hại cho môi trường nếu như xác bệnh nhân không được vận chuyển đúng quy trình
Về trách nhiệm từ phía bệnh viện nếu như người nhà bệnh nhân không tuân thủ các điều kiện như nói ở trên, bác sỹ Cấp cho rằng, rất khó để xử lý những tình huống như thế này vì quy định như vậy nhưng Bệnh viện không được cấp kinh phí xử lý việc này.
“Kinh phí cấp cho bệnh viện ưu tiên dành cho việc cứu người sống. Đúng ra một ca tử vong không người thừa nhận thì sẽ được Sở LĐ-TBXH hỗ trợ tiền chôn cất (khoảng 3,5 tr gì đó) nhưng những trường hợp như thế này thì không vào tình huống đó nên các BV sẽ rất khó xử lý. Đôi khi phải cắt từ tiền hỗ trợ đời sống của CBCNV ra để xử lý”, bác sỹ Cấp nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh vừa
có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Sơn la chỉ đạo Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh
xác định rõ trách nhiệm của bệnh viện trong việc. Đồng thời, tổ chức hỏi thăm người bệnh
và người nhà người bệnh để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hoàn cảnh
khó khăn của người bệnh, xác định mức độ và có phương án hỗ trợ về tâm lý, xã hội.
Bộ Y tế cũng yêu cầu xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo quy định nếu có sai phạm trong sự việc.
Không có dấu hiệu hình sự Ngày 14/9, một cán bộ Công an tỉnh Sơn La cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh. Công an tỉnh Sơn La đã làm rõ, vật thể cuốn trong chiếu là thi thể người đã chết nhưng vụ việc không có dấu hiệu hình sự. Theo điều tra, danh tính người chết là chị P., trú ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Chị P. mắc chứng bệnh lao phổi được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Do bị bệnh nặng, chị P đã tử vong. Do gặp khó khăn về kinh tế nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể từ Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La về huyện Quỳnh Nhai để mai táng. |