Nam thanh niên ngừng tim 8 lần liên tiếp
Tiểu Minh (22 tuổi, Hàng Châu, Trung Quốc) là sinh viên năm cuối vừa bắt đầu thực tập không lâu. Vào buổi sáng đầu tiên trở lại đi làm sau Tết cách đây ít ngày, Tiểu Minh do sắp trễ giờ nên đã rất lo lắng chạy đến công ty. Ngay sau đó, nam thanh niên cảm thấy tức ngực, khó thở, mắt tối sầm. Anh loay hoay tìm một chỗ để nghỉ ngơi nhưng chỉ đi tiếp được vài bước đã ngã xuống đất và bất tỉnh.
May mắn đang trên đường vào giờ cao điểm có nhiều người qua lại nên Tiểu Minh ngay lập tức được xe cứu thương đưa đến khoa cấp cứu của Bệnh viện số 1 Đại học Y Chiết Giang. Sau khi đến nơi, nhịp tim của Tiểu Minh chỉ 30 nhịp/phút.
Trong thời gian cấp cứu, tim của Tiểu Minh đã ngừng đập 8 lần. Các bác sĩ suy đoán nguyên nhân ban đầu là do thuyên tắc động mạch phổi. Tuy nhiên, vì dấu hiệu sinh tồn của Tiểu Minh không ổn định nên không thể hoàn thành cuộc kiểm tra CTA động mạch phổi.
Sau khi tiến hành hội chẩn, đánh giá, các bác sĩ quyết định tiến hành tiêm tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch. Sau khoảng 3 phút tiêm, các chỉ số oxy trong máu của Tiểu Minh dần hồi phục, nhịp tim cũng trở lại bình thường.
Khi các dấu hiệu sinh tồn ổn định, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra CTA động mạch phổi cho bệnh nhân trong điều kiện đặt nội khí quản và xác nhận nguyên nhân khiến Tiểu Minh suýt mất mạng chính xác là do thuyên tắc động mạch phổi. Sau nhiều lần ngừng tim và ngừng hô hấp khiến thận không được tưới máu đầy đủ dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
Tiểu Minh sau đó được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để tiếp tục điều trị. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã phục hồi và xuất viện. Bác sĩ đã dặn dò nhiều lần chàng trai cần thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt, uống thuốc chống đông máu đúng giờ và thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ.
Nguyên nhân nào khiến nam thanh niên rơi vào tình trạng nguy kịch?
"Chúng ta có thể so sánh mạch máu với ống nước. Nếu thường ngày, trong nước có lẫn các tạp chất thì lâu dần, những cặn bẩn này sẽ đọng lại trong ống nước và gây tắc. Mạch máu cũng vậy" - Bác sĩ khoa Hô hấp thuộc Bệnh viện số 1 Đại học Y Chiết Giang Trịnh Tĩnh cho biết "Thuyên tắc phổi là tình trạng "bụi bẩn" làm tắc nghẽn các nhánh của động mạch phổi, gây rối loạn tuần hoàn phổi và dẫn đến các triệu chứng như suy hô hấp cấp, suy tim, nhồi máu phổi, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe."
Bác sĩ Trịnh Tĩnh cũng thông tin thêm, sở dĩ Tiểu Minh chỉ mới 22 tuổi nhưng đã mắc bệnh chủ yếu là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Nam thanh niên thường xuyên thích ăn những đồ dầu mỡ, khẩu vị nặng, thức khuya, thích uống rượu và ít vận động. Đây đều là những thói quen phổ biến của người mắc các chứng bệnh liên quan đến huyết khối.
Những đối tượng có nguy cơ mắc thuyên tắc phổi cao hơn gồm:
- Phụ nữ mang thai: Trọng lượng của em bé sẽ chèn ép các tĩnh mạch vùng chậu, làm chậm tốc độ máu chảy về chân, từ đó làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
- Người mắc bệnh tim mạch: Đặc biệt là bệnh nhân suy tim khiến các cục máu đông dễ hình thành hơn.
- Bệnh nhân ung thư: Một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy, ung thư buồng trứng, ung thư phổi... sẽ làm tăng nồng độ các chất gây huyết khối và hóa trị, từ đó tăng nguy cơ thuyên tắc phổi.
- Bệnh nhân sau phẫu thuật: Phẫu thuật là một tỏng những nguyên nhân gây ra các vấn đề liên quan đến cục máu đông. Đó là lý do các bệnh nhân sau khi tiến hành các cuộc đại phẫu thường được dùng thuốc ngăn ngừa cục máu đông.
- Bệnh nhân nằm liệt giường trong thời gian dài: Nhiều bệnh nhân buộc phải nằm trên giường trong thời gian dài sau phẫu thuật, chấn thương hoặc các bệnh lý khác khiến các cục máu đông dễ hình thành hơn. Bởi khi đó chi dưới thường phải giữ nguyên một vị trí trong thời gian dài, lượng máu tĩnh mạch chậm lại và khiến máu dồn ở chân.
- Thường xuyên di chuyển đường dài: Trong các chuyến bay đường dài, việc ngồi sai tư thế có thể khiến tốc độ lưu thông máu chậm hơn ở chân, từ đó dẫn đến việc hình thành các cục máu đông.
- Người nghiện thuốc lá: Các hóa chất trong khói thuốc lá gây xơ vữa động mạch và làm dày thành mạch. Khi đó, các tế bào máu sẽ khó di chuyển qua các động mạch và mạch máu khác để đến các cơ quan quan trọng như tim và não. Điều này có thể tạo ra cục máu đông.
- Người béo phì, thừa cân: Thừa cân làm tăng nguy cơ đông máu do lượng lipid trong máu tăng cao, máu đặc và dễ hình thành huyết khối.
Nguồn: 163.com