Mặc dù chỉ mới có 6 tháng tuổi, nhưng một bé gái ở Charleston, South Carolina (Mỹ) đã phải trải qua một ca phẫu thuật để cắt bỏ "cái miệng thứ hai" trên khuôn mặt của mình.
Được biết, trong lần siêu âm ở tuần thứ 28 của thai kỳ, các bác sĩ tại Đại học Y khoa South Carolina đã phát hiện ra trên mặt của thai nhi có một khối u lạ. Họ cho rằng đó có thể là u nang, loạn sản xơ xương. Nhưng khi đứa trẻ chào đời, cả ê-kíp đỡ đẻ đã phải kinh ngạc khi trông thấy đó rõ ràng là một cái miệng thứ hai dài 2cm. Nó còn có môi, khoang, răng và cái lưỡi nhỏ xíu di chuyển đồng bộ với lưỡi chính khi em bé bú.
Như vậy có thể nói, bé gái này là một trong số 35 người trên toàn thế giới mắc phải căn bệnh Diprosopus – căn bệnh sao chép các bộ phận trên khuôn mặt, tính từ năm 1990 đến nay.
Viết trên tạp chí BMJ Case Reports, các bác sĩ cho biết miệng thứ hai của bé gái không có bất kỳ mối quan hệ nào với miệng chính, và cô bé vẫn thở, ăn uống bình thường. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cho biết thêm là đôi khi khuôn miệng thứ hai tạo ra một thứ chất lỏng trong suốt giống như nước bọt, và đôi khi cũng xuất hiện tình trạng như bị khô môi.
Sau đó, các bác sĩ quyết định đưa bé gái vào phẫu thuật khi cô bé vừa tròn 6 tháng tuổi. Ca phẫu thuật đã cắt bỏ một số cơ, xương, màng nhầy miệng, mô thực quản, cũng như một tuyến nước bọt và sáu chiếc răng chưa mọc ở bên trong cái miệng thứ 2 trong khi các bác sĩ cố gắng bảo tồn các dây thần kinh trên khuôn mặt đứa trẻ.
"Sau khi phẫu thuật, một góc bên phải của khuôn mặt nơi miệng thứ hai đã từng tồn tại hơi sưng. Do đó, chúng tôi đã phải kiểm tra lại và phát hiện ra đó là dung dịch chất lỏng. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, vài tháng nữa nó sẽ tự biến mất. Chỉ có điều đứa trẻ sẽ gặp khó khăn khi điều khiển phần môi dưới do một số dây thần kinh bị mất", một bác sĩ cho biết.
Vậy bệnh Diprosopus là bệnh gì?
Diprosopus là sự trùng lặp của cấu trúc đầu và/hoặc khuôn mặt - một tình trạng rất hiếm gặp, chỉ có khoảng 35 trường hợp được ghi nhận ở người kể từ năm 1900. Đỉnh điểm trùng lặp của căn bệnh này là trường hợp sao chép toàn bộ khuôn mặt. Điều này đã từng được các nhà khoa học tìm thấy ở một con mèo. Tuy nhiên, thường thì Diprosopus chỉ sao chép một khu vực trên khuôn mặt mà miệng là bộ phận chủ yếu.
Giải thích về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng nó xuất phát từ các vấn đề về protein báo hiệu cấu trúc khuôn mặt khi mang thai. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng các đặc điểm trên khuôn mặt và sao chép cấu trúc của chúng.
Một điều đặc biệt nữa là căn bệnh này không chỉ xảy ra ở người mà còn xảy ra cả trên động vật như gà, cừu, mèo…
Nguồn: D.M, Science