Vua Quang Trung (tên huý Nguyễn Huệ, 1753-1792), sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn, Bình Định. Ông được đánh giá là bậc minh quân, thiên tài quân sự, người sở hữu nhãn quan chiến thuật tài tình khiến bất cứ kẻ địch nào cũng sợ hãi.

Viết về Nguyễn Huệ, chính sử nhà Nguyễn - sách Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn: “Nguyễn Văn Huệ là em Nguyễn Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt, đánh trận rất giỏi, người người đều sợ Huệ”.

Đến nay, nhiều người vẫn nghĩ họ gốc của vua Quang Trung là Nguyễn. Tuy nhiên, theo các sách Nhà Tây Sơn, Võ nhân Bình Định và thông tin từ Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định,) trước khi mang họ Nguyễn, họ của vua Quang Trung là Hồ. Thuở nhỏ tên Hồ Thơm, sau đổi thành Nguyễn Huệ.

Cụ thể, bố ông là Hồ Phi Phúc. Ông Hồ Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng ở Tây Sơn (Bình Định) và hạ sinh ra 3 anh em Nhạc, Huệ, Lữ cùng một cô con gái út. Hiện tại mộ của hai vị thân sinh ra vua Quang Trung vẫn còn di tích ở núi Long Cương thuộc làng Kiên Mỹ, Bình Khê, Bình Định.

Vua Quang Trung họ gì? - Ảnh 1.

Theo một số tài liệu lịch sử, họ gốc của vua Quang Trung không phải họ Nguyễn. (Ảnh minh hoạ)

Theo sử liệu, Nguyễn Huệ (Hồ Thơm) đổi họ với lý do tránh sự dò xét của quân Nguyễn thời bấy giờ vì ông là học trò cưng của một nhân sĩ có tư tưởng phản kháng.

Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam sử lược cũng nhận xét xung quanh việc đổi họ của 3 anh em Tây Sơn như sau: “ 3 anh em nhà Tây Sơn mới lấy họ mẹ là Nguyễn để khởi sự cho dễ thu phục nhân tâm, vì rằng đất trong Nam thời ấy vẫn là đất của chúa Nguyễn!”.

Sau khi lật đổ thế lực của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, nhanh chóng lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh thống trị đã hơn 250 năm, chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, khôi phục lại nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng phân biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ.

Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung tạo nên chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Từ năm 1789 đến năm 1792, với tư tưởng tiến bộ ông liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch cải cách về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự,... nhằm xây dựng đất nước và tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại từ phương Tây.

Cuối năm 1792, Quang Trung từ trần ở tuổi 39. Cái chết quá sớm của ông được coi là mất mát to lớn với nước Đại Việt, triều Tây Sơn suy yếu từ đó.

Đến nay, người đời vẫn ca ngợi vua Quang Trung là hoàng đế bách chiến bách thắng, lập nhiều chiến tích quân sự nhất trong lịch sử Việt Nam, cả cuộc đời binh nghiệp của ông chưa từng bại trận.