2021 là một năm đầy biến động. Cả nước oằn mình chống dịch, kinh tế ảnh hưởng nặng nề, nghề trồng hoa Tết cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy. E ngại về đầu ra, giá phân bón tăng cao, thời gian xuống giống trùng với lịch giãn cách toàn thành phố khiến cho bà con xứ hoa Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung chơi liều một "ván bài sinh tử".
Những bữa cơm ăn vội, "ôm" hoa bất kể ngày đêm
Cuối năm luôn là dịp người ta gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, người thân. Còn với những người bán hoa kiểng lại thời điểm họ phải xa gia đình, mang sắc xuân bán cho bao người. Họ liều với "canh bạc" của mình bởi không bán hết thì "vốn liếng đi tong".
"Tôi mua lô bán hoa ở chợ này cũng 3, 4 năm nay rồi. Năm này chở cả trăm cặp hoa cúc từ Bến Tre lên đây bán. Cả năm được có dịp này, lời ăn, lỗ chịu chứ biết sao giờ. Năm nào bán được giá, hút hàng thì năm đó ăn Tết lớn", chị Đặng Như Thi (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chia sẻ.
Chợ hoa năm nay không đông đúc bằng mọi năm
Đang trò chuyện cùng chị thì có khách đến hỏi mua cúc.
- "Chị ơi, cúc này bán sao?"
- "Một chậu trăm rưỡi em."
- "Một trăm bán không chị?"
- "Không được em ơi, giờ giá phân thuốc cao lắm. Bán giá đó không có lời."
Ăn vội hộp cơm ngay trên vỉa hè, chốc chốc lại phải ngó xem có ai ghé lại hỏi mua không, với anh Trần Văn Tư (xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc) đã trở thành thói quen mấy ngày này. Không chỉ riêng anh mà phần lớn các tiểu thương bán hoa tại đây đều chịu chung cảnh màn trời chiếu đất, hộp cơm vội và những đêm thức trắng canh hoa như thế.
Với những người như anh Tư, chị Thi Tết luôn đến muộn hơn. Có thể lúc thời khắc giao thừa điểm, họ vẫn còn trên đường và chưa thể trở về quây quần cùng gia đình.
Được ăn cả, ngã về không
Theo ghi nhận của phóng viên, tối 29/1 (tức 27 tháng Chạp), không khí mua bán tại chợ hoa kiểng Sa Đéc (nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường An Hòa, TP. Sa Đéc) diễn ra khá nhộn nhịp, rất đông người dân ghé vào đây ngắm hoa và lựa cho mình những chậu hoa trưng Tết.
Được biết, năm nay các loại hoa ngắn ngày như cúc, vạn thọ cháy hàng do sản lượng trồng không nhiều. Vì lo ngại ảnh hưởng dịch bệnh nên bà con trồng hoa chỉ xuống giống cầm chừng.
Anh Tư cho biết, năm nay gia đình anh chỉ trồng 1000 chậu vạn thọ trong khi mọi năm là hơn 300 chậu. Vì không thể đoán trước được nhu cầu chơi hoa năm nay có nhiều không "trồng nhiều rồi bán không được chỉ có nước đập bỏ", anh Tư tâm sự.
Tầm 22 giờ, khi người xem hoa kiểng dần ít đi, người bán mới được thảnh thơi. Tranh thủ lúc vãng người, ông Lê Minh Liêm cắt tỉa lại những chậu mai vàng của mình rồi trò chuyện cùng mấy ông bạn "đồng nghiệp".
Theo ông Liêm, mai vàng năm nay bán khá chậm trong khi đó cúc, vạn thọ đắt hàng do sản lương trồng không nhiều. Dọn ra bán từ trưa ngày 26/1 (tức 24 tháng Chạp) nhưng hiếm hoi lắm mới bán được một cây mai 2 triệu, còn lại phần nhiều là các cây nhỏ, giá dao động từ 200.000 – 800.000 đồng.
Nhiều người vẫn ghé vào để ngắm các chậu mai, nhưng ít người xuống tiền mua. "Năm nay kinh tế khó khăn, mai lại là loại cây có giá khá cao thành ra nhiều người cũng đắn đo lắm. Mà không sao, nếu bán không được thì tôi đem về dưỡng, uốn cành tạo dáng, năm sau lại mang ra bán", ông Liêm chia sẻ.
Có thể thấy, năm nay tuy buồn vì đại dịch nhưng lại có nhiều quả ngọt cho những người dám "chơi liều" xuống giống hoa vụ tết. Mà có lẽ, họ cũng không có quyền chơi hay không "ván bài" này vì với những người sống với nghề trồng và buôn bán hoa kiểng thì vụ hoa tết luôn rất quan trọng, một cái Tết có được đầm ấm, no đủ không cũng nhờ vào đó.
Vậy đó, mỗi khi Tết đến, những người bán hoa kiểng góp phần mang đến sắc xuân cho nhiều gia đình, giúp mùa Tết thêm trọn vẹn. Song, chính họ cũng là những người nhọc nhằn, thấp thỏm nhất.