Hơn lúc nào hết trong lòng các ông bố, bà mẹ đang quan tâm đến vụ việc đều có những băn khoăn, lo lắng và mong được giải đáp từ những người có chuyên môn.
Chúng tôi đã kết nối với Pgs.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) và cũng là “ông Bụt” giữa đời thường của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam để bác có câu trả lời cho các bậc phụ huynh đang quan tâm đến vụ việc.
- Thưa bác sĩ có thể cho biết cấu tạo vỏ hộp sọ của trẻ nhỏ so với trẻ lớn và người trưởng thành có điểm gì khác nhau ạ?
Trẻ nhỏ thì hộp sọ có các điểm khác với người lớn ở chỗ là nó còn đang phát triển, tức là về mặt thể tích nó có thể rộng ra. Tại sao rộng ra được là bởi vì còn các đường thóp, mặc dù liền nhưng chưa liền hẳn đâu, nếu chụp phim có thể thấy những đường khớp.
Với trẻ khoảng 3 tuổi thì đa số là liền rồi nhưng có những trẻ vẫn chưa liền, mà kể có liền rồi thì cũng chưa hoàn chỉnh. Tóm lại với trẻ nhỏ thì vỏ hộp sọ thứ nhất là còn mềm, thứ hai là còn phát triển rộng ra và thứ ba là còn có thể có những đường khớp rạch giữa, rạch ngang xung quanh.
Hộp sọ là vậy còn ở trong thì não vẫn tiếp tục phát triển, hệ thần kinh chức năng cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
- Có rất nhiều thắc mắc là vì sao mà nghi phạm đóng 9 cái đinh vào đầu em bé mà không có dấu vết gì bên ngoài để người khác có thể phát hiện ra, mong bác sĩ có thể giải thích thêm ạ?
À, được đấy vì như đã nói về cấu tạo hộp sọ của bé đang phát triển nên có những đường thóp và còn mềm nếu mà sờ vào đúng những khe đấy thì rất là dễ cho đinh vào sâu, vì như chúng tôi chữa bệnh thì cũng có thể chọc kim qua những đường thóp để hút dịch ở bên trong ra.
Mà thực ra thì trẻ cũng ít đau nếu mà chọc đúng những chỗ như vậy. Với trẻ 3 tuổi thì khả năng còn những đường thóp là ít hơn, nhưng cũng tùy trẻ. Về đường thóp thì vậy còn đường rạch khớp vẫn có mà xuyên qua ấy cũng không khó lắm.
Không chỉ riêng trẻ em mà kể cả người trưởng thành, ở trên não mình có những vùng gọi là “vùng câm” là những vùng não mà không có biểu hiện ra bên ngoài, chọc vào không gây liệt mà cũng không chết, thậm chí là cũng không chảy máu, dị vật cứ xuyên vào sâu và ở trong như vậy. Nhất là đinh ghim nhỏ diện tích tiếp xúc nhỏ, không cần lực mạnh thì khó để lại dấu vết.
Còn nếu mà chọc đúng những đường đi có dây thần kinh thì liệt ngay lập tức, hoặc chọc đúng vào chỗ liên quan đến hô hấp tuần hoàn thì đứa trẻ có thể chết ngay.
- Nếu bé chưa đủ tiêu chuẩn về sức khỏe để thực hiện phẫu thuật thì điều gì sẽ xảy ra thưa bác sĩ?
Đầu tiên cần kiểm tra xem bé bị nhiễm trùng không, các bác sĩ sẽ nhanh chóng kiểm tra được thôi, sau đó sẽ phải cân nhắc chữa hết viêm nhiễm bằng kháng sinh hay vừa điều trị nhiễm trùng vừa tiến hành phẫu thuật lấy đinh ra, tuy nhiên với số lượng nhiều như thế, em bé bé như thế thì quyết định phẫu thuật cũng không dễ tí nào.
Thật ra tình trạng hôn mê như thế này thì cũng là bị ảnh hưởng nặng rồi đấy.
- Hiện nay tình trạng bạo hành có chiều hướng gia tăng và cũng rất tinh vi, theo bác sĩ những biểu hiện khác thường như thế nào ở trẻ nhỏ để người xung quanh có thể biết bé bị bạo hành?
Thật ra nếu là những biểu hiện thông thường như bầm tím, hoảng sợ, la khóc... thì rất dễ để phát hiện ra còn với những trường hợp kín, tinh vi thì rất khó để những người xung quanh biết được. Ví dụ trong trường hợp như em bé này nếu nhẹ hơn có thể biểu hiện đi loạng choạng thì những người xung quanh chỉ có thể nghĩ là bé chậm phát triển, chỉ có bác sĩ kiểm tra mới phát hiện được ra nguyên nhân. Thậm chí là không phải bác sĩ nào cũng có thể phát hiện.
Mà thường là khi phát hiện ra trẻ bị bạo hành thì là quá muộn rồi, vậy nên tôi nghĩ rằng trước khi trông cậy vào những người hàng xóm, thầy cô phát hiện ra thì chúng ta nên đi từ nguyên nhân trước đã. Từ truyền thông, các ban ngành, các chuyên gia hãy cùng nhau làm nên nhiều chương trình về giáo dục gia đình, giáo dục hôn nhân để hạn chế bớt đi những trường hợp bạo hành, nâng cao nhận thức cho xã hội về vấn đề này.
- Nếu may mắn cứu sống được em bé thì những di chứng nào có thể gặp phải sau này ạ?
Những di chứng về thực thể thì chắc chắn có ví dụ như động kinh, có thể đi loạng choạng, phát triển chậm. Tuy nhiên di chứng về tinh thần thì khó chữa lắm. Cái nguy hiểm là bé không tin vào cuộc sống này, không tin vào những người thân vì với suy nghĩ người thân còn đối xử với mình như thế thì ra xã hội thì như thế nào? muốn thay đổi được thì bé phải gặp được những người cực kỳ tốt để có trải nghiệm rằng vẫn còn những người tốt, yêu thương bé.
Nếu may mắn cứu sống được bé mà không chữa lành tinh thần, không giáo dục về tình yêu thì lớn lên bé mất đi niềm tin về cuộc sống, khó mở lòng với những người xung quanh, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của bé.
Dẫu sao em bé này vẫn còn may mắn là được đến bệnh viện, dù có thể cứu được bé hay không cứu được bé thì về mặt tâm linh tôi vẫn tin bé vẫn nhận năng lượng của tình thương, sự giúp đỡ của mọi người mặc dù đang hôn mê không biết gì.
Nên một lần nữa tôi rất mong muốn qua chuyện này chúng ta cần nói đến cái sâu xa hơn nữa là giáo dục cộng đồng để nhiều đứa trẻ không bị rơi vào hoàn cảnh trên, phòng cho những trường hợp mà chúng ta không thể nhìn thấy được, báo chí không biết đến…
Cảm ơn bác sĩ vì cuộc trao đổi này.