Cứ sau 15/11 cho tới đầu tháng 12 hàng năm là thời điểm cuối cùng ánh mặt trời ló rạng trên đường chân trời của vùng đất này. Sau đó, chuỗi 65 ngày sống không thấy ánh Mặt trời của cư dân bắt đầu. Phải tới ngày 23 hoặc 24/1 năm sau, họ mới lại nhìn thấy Mặt trời.
Đó chính là Utqiagvik thuộc Alaska, Mỹ - vùng đất độc nhất vô nhị trên thế giới khi mỗi năm luôn có tới hơn 2 tháng liền chìm trong bóng tối.
Theo nhà khí tượng học Judson Jones, đây là hiện tượng thiên nhiên xảy ra hàng năm có tên đêm vùng cực. Lý giải cho hiện tượng này, giới khoa học nói, do vị trí nằm cách xa đường xích đạo về phía bắc, Utqiagvik phải chịu cảnh thiếu mặt trời suốt thời gian khá dài. Tuy nhiên, cư dân của Utqiagvik sẽ không ở trong bóng tối hoàn toàn vì lúc chạng vạng, họ có đủ ánh sáng để xem các vật thể bên ngoài từ 3-6 giờ mỗi ngày.
Cùng với việc Utqiagvik chìm trong bóng tối, nhiệt độ tại đây sẽ lao dốc trong thời gian này, giảm xuống mức -20 độ C ở những tháng mùa đông. Dù cuộc sống ở Utqiagvik khắc nghiệt nhưng cư dân của vùng đất này đã sinh sống ở đây suốt hàng nghìn năm. Phần lớn họ là Iñupiat Alaska bản địa. Trước đây, họ thường kiếm sống bằng việc săn bắt cá voi, tuần lộc, hải cẩu và các loài chim.
Hiện cư dân của thị trấn Utqiagvik thường làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích chung là để phục vụ cho công tác khai thác mỏ dầu ở gần đó.
Utqiagvik không phải là nơi duy nhất trên thế giới trải qua khoảng thời gian nhất định vào mùa Đông không có ánh sáng mặt trời. Những khu vực thuộc vòng Bắc Cực như Kaktovik, Point Hope và Anaktuvuk Pass cũng xảy ra hiện tượng đêm vùng cực.
Điểm đặc biệt là Utqiagvik là thị trấn đầu tiên đón nhận hiện tượng này vì cách xa về phía Bắc.