Một chiều hạ nắng gắt, tôi có dịp ghé thăm chùa Tây Phương (núi Câu Lậu, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội). Cảm giác đầu tiên ập tới là hết sức mệt mỏi sau khi leo những bậc thang cao, dài dằng dặc dẫn lên chùa ở đỉnh núi.

Vừa lên tới nơi, thứ làm tôi ấn tượng không phải cảnh chùa đẹp đẽ mà là những chú chuồn chuồn tre với đủ sắc màu bắt mắt được mấy người bán hàng rong bày gối lên nhau, dễ thương vô cùng.

 - Ảnh 1.
Một lát sau, tôi mới kịp nhận ra ở đây, hàng rong nào cũng bán món đồ chơi này.

 - Ảnh 2.
Chạy ngược lại phía chân núi, chuồn chuồn tre hiện ra la liệt, nhiều hơn bất cứ nơi đâu.

 - Ảnh 3.
Những con chuồn chuồn chuồn xanh, đỏ xinh xắn này được làm bằng tre cứng cáp, thô mộc.

 - Ảnh 4.
Mỗi chú chuồn chuồn tre lại có những họa tiết khác nhau.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là "vương quốc" của chuồn chuồn tre - món đồ chơi mà ngày nhỏ đứa trẻ con nào cũng mê. Tôi hỏi thăm và biết được, nghệ nhân làm ra những con chuồn chuồn này ở ngay xóm Chùa, cách đó chỉ khoảng mấy chục mét.

Món quà quê làm thức dậy ký ức tuổi thơ

Nghệ nhân làm chuồn chuồn tre nổi tiếng nhất vùng Thạch Xá là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tái (SN 1970) và chị Khương Thị Tân (SN 1972). Chuồn chuồn do gia đình anh Tái làm có tiếng là bền, đẹp và đa dạng mẫu mã trong khi giá cả lại phải chăng. Anh Tái nói, gia đình anh chẳng bao giờ ế hàng, cứ làm đến đâu là "cháy" tới đó. Có nhiều người ở tận mãi Sài Gòn, Cần Thơ đặt hàng một lúc cả trăm nghìn con.

 - Ảnh 5.
Một con chuồn chuồn nho nhỏ, được sơn các màu xanh, đỏ, tím, hồng, phủ nhũ lấp lánh và vẽ họa tiết cầu kỳ, giá bán lẻ chỉ khoảng 5.000 đồng

 - Ảnh 6.
Nếu mua nhiều, khách chỉ phải trả 3.000 đồng.

Bây giờ ở thành phố, rất hiếm khi người ta nhìn thấy một con chuồn chuồn thật. Thế nhưng những ai lớn lên ở quê, hẳn không thể nào quên những trưa nắng chang chang, rủ nhau đi bắt chuồn chuồn nghịch chơi. Vì ham thích nên mỗi khi nhìn thấy vài chú chuồn chuồn tre bày bán ngoài chợ, giá nào cũng đòi bố mẹ mua cho bằng được.

 - Ảnh 7.
Gần 20 năm về trước, anh Tái nảy ra ý định làm chuồn chuồn tre để bán.

 - Ảnh 8.
Họa tiết trên thân chuồn chuồn đều do anh Tái và người dân quanh vùng tự nghĩ ra.

Vùng Thạch Xá xưa nay nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ liên quan đến cây tre. Nhớ đến thú vui ngày xưa, anh Tái quyết định làm chuồn chuồn tre để bán ở chân núi Câu Lậu.

Món quà quê này vừa mang ra thì không chỉ trẻ con mà người lớn quanh vùng đều thích bởi nó khơi dậy miền ký ức xa xôi nào đó về ngày bé thơ, say mê đuổi bắt chuồn chuồn. Những con chuồn chuồn do anh Tái làm ra còn đẹp hơn thật, màu sơn bền mấy năm không hỏng, dù làm bằng tre nhưng dáng điệu lại thanh thoát nên rất được lòng khách.

Tiếng lành đồn xa, dần dần anh Tái không đi bán chuồn chuồn ở chân núi Câu Lậu nữa mà chuyên nghề sản xuất, cất buôn cho khách. Thoáng đó, anh đã ở nhà, ngồi trên cái ghế nhựa tô, vẽ chuồn chuồn được gần 20 năm.

Kỳ công nghề làm chuồn chuồn tre

Bây giờ ở Thạch Xá, người làm chuồn chuồn cũng nhiều. Thu nhập nhờ nghề này không quá cao, mỗi người trung bình chỉ kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, so với mức sống ở nông thôn, đó là con số tạm chấp nhận được. Ngoài làm chuồn chuồn đại trà, gia đình anh Tái còn nhận làm theo yêu cầu của khách với các chú chuồn chuồn kích thước lớn, giá vài trăm nghìn/con.

 - Ảnh 9.
Nguyên liệu làm chuồn chuồn tre là những khúc tre rừng, mỏng nhưng rất cứng.

 - Ảnh 10.
Từ những thanh tre thô kệch, người thợ tiến hành vót, mài giấy nhám từng bộ phận rồi ghép thành những chú chuồn chuồn mộc.

Anh Tái nói, làm chuồn chuồn tre cần sự kiên trì lớn. Trung bình, mỗi mẻ chuồn chuồn mất gần 1 tháng. Người thợ phải trải qua đủ các công đoạn như chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, và hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc. Sau đó, chuồn chuồn được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân.

 - Ảnh 11.
Vì có nhiều công đoạn nên mỗi người trong gia đình anh Tái chỉ chuyên một việc. Để kịp giao hàng cho khách, anh còn thuê thêm nhiều nhân công trong làng chế tác chuồn chuồn mộc.

 - Ảnh 12.
Những lọ đựng sơn tự chế của người dân, phía trên được gắn kim tiêm bằng sắt để vẽ họa tiết.

 - Ảnh 13.
Công đoạn cuối cùng là sơn phủ, phơi khô sơn rồi vẽ từng họa tiết, phủ nhũ lấp lánh đều do gia đình anh làm.

 - Ảnh 14.
Ở đây, người dân chỉ cần nhìn họa tiết là biết chuồn chuồn do gia đình nào làm.

 - Ảnh 15.
Ngoài làm chuồn chuồn, ở thạch Xá, người dân còn làm ra rất nhiều các loại chim, bướm tre. Công đoạn cũng tương tự như làm chuồn chuồn.

 - Ảnh 16.
Hình ảnh những sản phẩm thủ công được bài trí trong nhà.

Theo Kênh 14/Trí thức trẻ