Không bắt nguồn từ một sự tích cụ thể nào, các câu chuyện tâm linh xung quanh mạch nước ngầm tồn tại hơn 150 năm qua ở Miếu Mạch Nước (huyện Hóc Môn, TP.HCM) truyền miệng, thế nhưng sự "nhiệm mầu" và linh thiêng của nó đã thu hút hàng trăm người dân nườm nượp kéo về đây trong mỗi dịp lễ, Tết.

Người dân khắp nơi tìm đến rửa mặt, gội đầu

Miếu Mạch Nước thờ Thủy Long Thánh Mẫu trong quan niệm dân gian là một vị thần cai quản vùng sông nước, giếng, sông rạch, cù lao,... và theo dân địa phương vị thần này cũng chính là nữ thần bảo hộ cho mạch nước ngầm linh thiêng chảy dưới lòng đất ở tại Miếu. 

Mặc dù xung quanh không có sông, suối hay hồ nước lớn nào tuy nhiên mạch nước ngầm tại đây cứ thế phun lên trên mặt đất xuyên suốt hơn trăm năm qua, người dân cho rằng đó là "long mạch ngàn năm có một" nên hằng ngày thay phiên nhau đến đây dùng nước này để rửa mặt, uống, gội đầu, mong cầu cho mình một thân thể an khang, minh mẫn.

Người dân kéo đến Miếu Mạch Nước uống nước, rửa mặt, gội đầu,... 

"Nước ở đây ngọt lắm, thanh, mát, rửa mặt là tỉnh táo ngay", đó là lời của một người phụ nữ nói với chúng tôi khi thấy cảnh người dân đến đây hứng nước uống và gội đầu. 

Để kiểm nghiệm lời của người phụ nữ này, chúng tôi đã dùng gáo hứng, uống và rửa mặt thử. Điều đặc biệt đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận là dù không qua bất kỳ hệ thống xử lý lọc nào, hoàn toàn tự nhiên nhưng nước tại đây rất trong, vị ngọt thanh, mát lạnh khác lạ so với nước giếng thông thường. 

Cùng chồng từ Đồng Nai vượt hơn 50km tìm đến Miếu Mạch Nước để "cầu con", chị Lê Thị Thu Hương cho biết gia đình chị đã tìm đến rất nhiều điểm thờ tự linh thiêng khác nhau nhưng có lẽ đây là nơi duy nhất có mạch nước ngầm kỳ lạ, khiến chị sảng khoái ngay từ lần đầu tiên rửa mặt. Chị Hương thậm chí còn dùng nước ở đây để gội đầu. 

Trước khi đến xin "nước thần", vợ chồng chị Hương chui qua bụng "Thần Ngựa" mà theo quan niệm dân gian là để cầu con, cầu may mắn. 

"Lúc đến đây, đầu chị vẫn còn nhức lắm, vậy mà sau khi gội đầu bằng dòng nước này thì lại cảm thấy hết đau, người nhẹ nhàng hẳn", chị Hương nói. 

Sau khi thắp hương xong, tương tự như nhiều người, chị Hương tìm đến tượng Ông Ngựa - án ngữ ngay trước chánh điện miếu và chui qua bụng Ông để cầu may. Tiếp đến, theo dòng người, chị Hương tiến đến mạch nước nằm ngay bên cánh tả ngôi miếu (từ trong đi ra) để rửa mặt, uống và gội đầu.  

"Ở đây nổi tiếng là nơi cầu làm ăn, chị có nhiều người bạn họ làm về đất đai, nhà cửa, họ tìm đến đây xin công chuyện làm ăn đều thuận buồm xuôi gió. Do chị với ông xã đang mong con nên đến đây "cầu con" thôi", chị Hương nói thêm. 

Người dân địa phương cho rằng nước tại đây có vị ngọt thanh, mát lạnh, khác với nước giếng thông thường. 

Hầu hết những người tìm đến đây đều quan niệm nếu dùng dòng nước này rửa mặt, uống có thể gột rửa những điều xui xẻo, đón may mắn và thân thể an khang, sáng suốt. 

Theo tìm hiểu, ban đầu dòng nước chỉ đơn giản phun lên từ lòng đất, không có gì che đậy, nước phun lên gặp đất tạo thành những vũng sình lớn. Để giữ dòng nước thiêng luôn trong xanh, khách thập phương dễ dàng xuống rửa tay hơn, người dân xung quanh đã gom góp xây những bậc thang và lót thêm gạch xung quanh để tạo thành hồ chứa nước. 

Mạch nước chảy không ngừng suốt hàng chục năm

Bà Thắm - một người dân sống gần Miếu Mạch Nước cho biết trong hàng chục năm qua, cứ 2 - 3 lần trong một tuần là bà tìm đến đây để lấy nước về cho gia đình. 

"Mấy chục năm qua, gia đình tôi luôn dùng dòng nước này để cúng vì đây là dòng nước tinh khiết nhất. Có thể đối với mọi người đây chỉ là dòng nước bình thường, nhưng đối với tôi đây là dòng nước thiêng rất quý", bà Thắm cho hay. 

Người dân tin rằng nước tại đây mát lạnh hơn nước giếng thường, dùng rửa tay, rửa mặt mang đến sự may mắn, cầu bình an, tài lộc.

Trên tay khoảng chục cái chai rỗng dung tích 1,5 lít/chai cùng thêm vài can nhựa loại lớn, bà Năm cứ thế vào Miếu dùng gáo hứng đầy nước vào trong chai, can rồi xách về. 

Theo bà Năm, gia đình bà dùng nước này để uống, rửa mặt và cúng kiếng, không những dân địa phương mà nhiều người từ khắp các tỉnh thành khác nhau, cách xa nơi đây hàng trăm cây số vẫn tìm đến hứng nước về uống.  

Người dân đến đây ai cũng hứng đầy 1 - 2 chai, can "nước thần" mang về. 

Có một ngôi miếu ở TPHCM nơi hàng nghìn người dân  tìm đến rửa mặt, uống nước, gội đầu  - Ảnh 7.

Nhiều gáo nhựa phục vụ người dân hứng nước mang về.

"Có người từ Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang lên đây hứng nước, xin lộc về uống", bà Năm nói trong câu chuyện kể về mạch nước ngầm "thần thánh" với chúng tôi.

Tại nơi mạch nước ngầm chảy xuyên suốt, người cai quản miếu đặt sẵn nhiều gáo nhựa phục vụ nhu cầu hứng nước của người dân. Bên ngoài miếu, một số nhà dân ngoài bán đồ cúng còn bán thêm can nhựa, chai rỗng. 

Dự kiến Miếu Mạch Nước sẽ thu hút hàng trăm người dân trong suốt tháng Giêng.