Ít ai biết rằng, để theo đuổi công việc đam mê này, Noor Dawood Salman - 29 tuổi, nữ huấn luyện viên karate chuyên nghiệp tại Iraq đã mất hơn 2 năm thuyết phục gia đình để được tham gia các khóa đào tạo.

Chị cho biết: "Hơn một lần ở trường đại học hay trung học, tôi đã không dám lên tiếng hoặc phản ứng trước kẻ quấy rối hoặc nói xúc phạm mình. Tôi đã nhất quyết tập karate dù bị xã hội phản đối, gia đình phản đối và tất cả những người tôi biết đều phản đối vì cho rằng karate là một môn võ hơi bạo lực với phụ nữ".

Vượt qua rào cản, một phụ nữ Hồi giáo trở thành huấn luyện viên karate - Ảnh 1.

Salman tin rằng tập luyện võ thuật là cách để phụ nữ không chỉ rèn luyện khả năng tự vệ, mà còn tăng cường sự tự tin khi họ định hướng cuộc sống. Bản thân Salman chia sẻ rằng, giờ đây chị có thể tự vệ tốt hơn trong những tình huống nguy cấp. Ngoài việc luyện tập võ thuật, chị còn muốn khơi dậy đối với các học viên nhận thức về quyền phụ nữ, quyền được bảo vệ.

Chị Badur Amin - Học viên Karate: "Lý do khiến các cô gái tìm đến võ thuật nói chung là để tự vệ. Nếu ai đó quấy rối tôi trên đường, thì tôi phải làm gì, hành động thế nào. Vì vậy, giải pháp là học cách tự bảo vệ mình".

Vượt qua rào cản, một phụ nữ Hồi giáo trở thành huấn luyện viên karate - Ảnh 2.

Ông Asif Mohammed - Giám đốc Học viện võ thuật Asif: "Đôi khi xã hội chấp nhận, nhưng đôi khi thì không muốn sự tham gia của phụ nữ với môn võ thuật này, tùy theo sự phát triển và hệ tư tưởng trong cộng đồng. Nhưng nhìn chung, đã có nhiều sự chấp nhận hơn trước đây".

Theo ông Muhammad, số lượng nữ sinh tham gia các lớp võ thuật ngày càng tăng, bất chấp một số ý kiến phản đối quan điểm để phụ nữ tập luyện môn võ thuật này. Các khóa học phù hợp cho phụ nữ cũng đang ngày càng mở rộng, những nữ huấn luyện viên như chị Salman đã và đang truyền đi thông điệp nâng cao quyền phụ nữ nói chung và quyền được tự vệ của phụ nữ nói riêng.