Bobby Leach sinh ra ở Manchester vào năm 1858. Ông được mệnh danh là một người đàn ông liều mạng, thích thử thách mình ở những trò mạo hiểm và vào năm 1911, ông còn băng qua thác Niagara trong một chiếc thùng bằng thép. Bobby sống sót vượt qua biết bao trò mạo hiểm thế nhưng cuối cùng, ông lại thiệt mạng chỉ vì vỏ trái cây.

Bobby đến Mỹ sinh sống vào năm 18 tuổi và đã trở thành một tay bơi lội cừ khôi. Anh bắt đầu sự nghiệp biểu diễn của mình ở rạp xiếc Barnum and Bailey, thể hiện khả năng bơi lội của mình qua những màn biểu diễn trong nước.

Vượt qua thác nước hùng vĩ của thế giới vẫn sống sót trở về, 15 năm sau người đàn ông lại mất mạng chỉ vì vỏ trái cây - Ảnh 1.

Bobby bên chiếc thùng thép ông đã dùng để vượt qua thác Niagara. (Ảnh: Internet)

Năm 1909, ông nhảy dù xuống sông Niagara từ cầu Honeymoon cao 63m. Đến năm 1911, ông vượt qua thác Niagara trong một cái thùng thép. Cần phải nói rằng Bobby không phải là người đầu tiên sống sót đi qua thác Niagara trong thùng mà kỳ tích này thuộc về nữ giáo viên Annie Edison Taylor (ở Auburn, Mỹ) vào ngày 24/10/1901, sinh nhật lần thứ 63 của bà. Thác Niagara nằm ở biên giới Mỹ và Canada, gồm 3 thác riêng biệt là thác Horseshoe, thác Mỹ và thác Bridal Veil. Đây là thác nằm trong danh sách những điểm phải đến trong đời của rất nhiều người trên thế giới, đồng thời cũng là nơi những người đam mê mạo hiểm muốn vượt qua giống cách của bà Annie. Và trong số đó, có cả Bobby Leach.

Trước chuyến đi mạo hiểm, ông điều hành từng một nhà hàng và từng khoe với khách hàng của mình rằng bất kì điều gì Annie có thể làm, ông cũng có thể. Vì vậy, ông đã dành một khoảng thời gian để chuẩn bị. Mục tiêu của ông là trở thành người thứ 2 vượt qua thác Niagara và là người đầu tiên đi qua thác Horseshoe trong thùng. Ông đã thiết kế một thùng bằng thép vừa vặn với mình và tin rằng nó có thể giúp ông đi nhanh hơn loại thùng thông thường. Sau nhiều lần trì hoãn và tiêu tốn một khoản tiền, cuối cùng Bobby đã sẵn sàng thực hiện thử thách vào tháng 7/1911. Chính nhờ pha mạo hiểm băng qua thác Niagara trong một chiếc thùng đã giúp tên tuổi của ông được nhiều người biết đến.

Đó là ngày 25/7/1911. Trong thùng thép hình trụ có 2 đầu bằng gỗ, Bobby bắt đầu thử thách vào lúc 2 giờ 55 phút chiều. Đây là sự kiện được công bố rộng rãi, có sự chứng kiến của rất nhiều người bởi họ muốn xem liệu người đàn ông tuổi ngũ tuần này có thể đạt được mục đích không và nếu được, kết quả sẽ là gì. Khoảng 3 giờ chiều, thùng thép của Bobby đã bị đập vào một tảng đá lớn, miếng cản bằng gỗ đã bị vỡ. Lực đập rất mạnh và nó đã khiến Bobby bị thương ở trán. Sau đó, Bobby tiếp tục đi và đến được khu vực trung tâm vào khoảng 3 giờ 13 phút chiều, rồi đi thẳng đến thác Horseshoe.

Vượt qua thác nước hùng vĩ của thế giới vẫn sống sót trở về, 15 năm sau người đàn ông lại mất mạng chỉ vì vỏ trái cây - Ảnh 2.

Thác Niagara nằm ở biên giới Mỹ và Canada, gồm 3 thác riêng biệt là thác Horseshoe, thác Mỹ và thác Bridal Veil. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, khi thùng thép của Bobby băng qua nhà máy điện Ontario, nó đã bị vướng vào xoáy nước và ở đó khoảng 20 phút. Cuối cùng, Fred Bender - người đã làm việc tại nhà máy này - đã cùng các nhân viên khác cứu Bobby. Fred đã cột một đầu dây vào người mình, đầu còn lại đưa cho các nhân viên khác. Anh nhảy xuống nước, đến chỗ thùng của Bobby, những người trên bờ sẽ kéo Fred và chiếc thùng vào. Khi được cứu khỏi thùng thép, Bobby đã bị thương ở trán cùng nhiều chấn thương khá nặng khác trên cơ thể. Bobby sau đó đã phải nhập viện và điều trị trong suốt 23 tuần mới hoàn toàn bình phục. 

Kể từ sau chuyến mạo hiểm ở thác Niagara, Bobby trở nên nổi tiếng. Nhiều năm sau đó, ông đã đi đến Canada, Mỹ, Anh, kể lại hành trình mạo hiểm của mình, giảng dạy và triển lãm thùng thép mà ông đã dùng để vượt qua thác Niagara. Ông quay trở lại thác Niagara, New York vào năm 1920 và mở trung tâm trò chơi giải trí. Ở độ tuổi 60, ông vẫn nỗ lực bơi qua các ghềnh, xoáy nước nhưng thất bại và thậm chí có lần suýt mất mạng, phải có người cứu sống.

Nhiều lần mạo hiểm, thử thách bản thân dưới lưỡi hái của tử thần, Bobby vẫn vượt qua tất cả. Thế nên, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông được cho rằng vô cùng "lãng xẹt". Năm 1926, trong một chuyến lưu diễn ở New Zealand, Bobby không may đã đạp lên một miếng vỏ trái cây và đã bị trượt. Chân ông đã bị thương, nhiễm trùng, cuối cùng đã bị hoại tử và phải cắt cụt chân. Thế nhưng ông lại bị biến chứng và chỉ 2 tháng sau đó, ngày 28/4/1926, ông đã qua đời.

Vượt qua thác nước hùng vĩ của thế giới vẫn sống sót trở về, 15 năm sau người đàn ông lại mất mạng chỉ vì vỏ trái cây - Ảnh 3.

Mộ phần của Bobby Leach. (Ảnh: Internet)

(Nguồn: bbc, thewireless, thevintagenews, niagarafallsmuseums, paperspast.natlib.govt)