Năm nay, các đồ uống được chế biến từ hoa quả gần như chiếm sóng mọi mặt trận thay vì các loại trà sữa của giới trẻ. Từ mùa hè cho đến bây giờ là cuối thu, vẫn liên tiếp xuất hiện những trào lưu trà trái cây, mới nhất là một món có tên trà chanh giã tay

Là hàng đầu tiên bán trà chanh giã tay ở Hà Nội với số vốn 7 triệu đồng 

Với những người có thói quen đạp xe hay đi chơi quanh Hồ Tây thì từ tháng 7 đã bắt gặp một hàng bán nước thơm nức mùi chanh, cùng hình ảnh chàng thanh niên cầm chày giã đá trong cốc. Nhiều người khi đó cũng thử vì tò mò trước một thức uống mới chứ hầu như không đưa ra lời khen ngợi về hương vị. Nhưng chẳng ai ngờ rằng, chỉ vài tháng sau đó, nó lại trở thành thức đồ uống hot hit. Và đó cũng là hành trình bán loại đồ uống mới của anh Hảo (sinh năm 1991, Tuyên Quang). 

Vượt quãng đường gần 30km, cặp anh em mỗi ngày bán 300 ly "trà chanh giã tay" - Ảnh 1.

Anh Hảo - chủ nhân của hàng trà chanh giã hot hit ở Hồ Tây.

Chia sẻ về cơ duyên đến với trà chanh giã tay, anh Hảo cho biết do trước kia từng buôn bán hàng ăn, giày dép, hoa quả... nên có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thương lái, xem trên mạng xã hội, biết được đây là món hot ở Quảng Đông (Trung Quốc) từ năm 2022. 

"Loại chanh Quảng Đông này anh đã tìm hiểu nhưng thấy nó không thực sự ngon bằng chanh ở nước ta nên anh nghĩ chắc bên đó chỉ quay làm clip cho vui chứ ai uống. Cho tới khi một hãng đồ uống Trung làm mưa làm gió, họ có món trà chanh vàng, anh đã uống thử và thấy bất ngờ trước sự kết hợp của chanh với trà. Mà chanh của họ cũng là loại tầm trung thôi. Lúc này anh mới nghĩ sao mình không thử dùng quả chanh đó và pha theo công thức của món trà giã tay hot trên mạng xã hội Trung". 

Ban đầu, anh Hảo dự định sẽ bán món này ở TP.HCM trước bởi theo anh thời tiết cũng như thói quen của người dân ở đó phù hợp hơn. Tuy nhiên, lại vào đúng mùa mưa nên hành trình mở hàng thất bại, anh quyết định quay về Hà Nội. 

"Khi về Hà Nội là trắng tay, mình xin vào một kho hoa quả làm việc trong 2 tháng để có tiền thuê nhà, mua tủ lạnh và chuẩn bị mở bán ở Hà Nội. Với số tiền lương 7 triệu, mình dùng để chi trả ăn ở và mua chanh, sắm đồ đạc. Lúc đó trong chiếc tủ lạnh cũ không có gì ngoài chanh", anh Hảo kể lại. 

Trà được anh Hảo dùng là lục trà. Hai loại chanh Quảng Đông được dùng, loại màu vàng cho mùi thơm, loại màu xanh cho vị chua.

Bán hàng ở Hồ Tây nhưng thuê trọ ở Đông Anh, mỗi ngày anh Hảo và anh trai phải chở theo đồ, vừa đi vừa về tổng gần 30km. Thế nhưng, là hàng vỉa hè nên hành trình đi tìm chỗ bán hàng cũng lắm gian nan. Trong hơn 3 tháng mở bán trà chanh giã tay, anh Hảo đã phải chuyển chỗ đứng hơn 7 lần, khắp các con đường từ Quảng An, Xuân Diệu, Vệ Hồ đến Huỳnh Thúc Kháng - Pháo Đài Láng. 

Mãi cho tới đầu tháng 11, anh mới chính thức thuê được một chỗ đứng cố định. Anh Hảo và anh trai cũng dự định thuê luôn một căn phòng của chủ nhà và chuẩn bị chuyển đồ sang để tiện buôn bán.

Mỗi ngày bán hơn 300 ly

Theo tiết lộ, ngày đầu tiên mở bán ở Hà Nội, anh Hảo chỉ dám đặt mục tiêu bán được nhiều nhất 2 cốc, thu về 50.000đ cho đủ tiền ăn của hai anh em. Nhưng việc giã trà chanh đã giúp anh thu hút các khách hàng. Dần dà, anh nâng mục tiêu lên bán được 50 cốc, rồi 100 cốc. 

Cho đến thời điểm hiện tại, dù chỉ mở từ 17 giờ nhưng quán luôn trong tình trạng đông khách. Hai anh em thay nhau thái chanh và giã chanh phục vụ khách. Cao điểm là vào khoảng từ 19h30 cho đến 22h30, lúc nào cũng có 10 - 20 người xếp hàng chờ mua. 

"Mỗi lượt giã và lắc sẽ làm được 8 ly, anh cứ nhận 8 ly một, trả xong rồi đến lượt tiếp theo. Hai anh em cứ làm thông suốt mấy tiếng buổi tối như vậy. Đặc biệt, từ tuần cuối tháng 10 đến bây giờ, mỗi ngày sẽ bán được 250 - 300 ly trà chanh giã tay. Các bạn đến muộn hơn thì hết trà, chỉ còn mua được nước chanh giã tay", anh Hảo nói. 

Đã sắm thêm máy móc nhưng chưa nghĩ tới chuyện lâu dài 

Sau khi chuyển qua chỗ cố định, anh Hảo cũng chi 13 triệu sắm một chiếc máy giã chanh đá tự động từ một nguồn hàng bên phía Trung Quốc. Tuy nhiên anh nhận thấy lực giã của máy không quá lớn, chỉ đóng vai trò phụ giúp cho người bán ở thời điểm đông khách. Còn lại, muốn ra hương vị ngon nhất thì anh và anh trai vẫn thay nhau giã thêm. 

Đã có máy giã chanh nhưng chủ yếu vẫn sử dụng sức người. 

"Mấy tháng trước giã ít và có thời gian nghỉ ngơi thì còn đỡ. Từ 2 tuần nay ngày nào cũng giã thông mấy tiếng, tay hôm nay sưng chưa kịp hồi mai lại giã tiếp. Được mọi người ủng hộ như vậy mình có động lực làm việc hơn. Nhưng về lâu về dài anh không chắc là mình có thể làm món này bán mãi được. Yếu tố thời tiết một phần, hiệu ứng đám đông, nhưng hơn cả là làm rất mất sức. Anh đã đăng tuyển thêm người phụ giúp giã chanh, trả lương cao nhưng có người chỉ thử được một buổi là xin nghỉ ngay". 

Kết thúc buổi bán hàng lúc 23h30, anh Hảo mới ngồi ăn cơm tối, trong lúc đó có khách nào đi qua ngỏ lời muốn mua nước chanh giã tay, anh lại đứng lên làm nốt. Sau đó anh sẽ dọn dẹp và về nhà lúc 2-3 giờ sáng. Ngày hôm sau lại dậy chuẩn bị nguyên liệu cho buổi bán tiếp theo. 

Anh Hảo và anh trai thay nhau giã và lắc trà chanh.

Anh Hảo cũng nhấn mạnh, điểm đặc biệt nhất của món nước này là các vị khách được trực tiếp xem người bán giã chanh với đá. Do đó, bản thân cũng phải đầu tư về mặt hình ảnh, không thể ngồi trong nhà giã rồi mang ra được. Hay cũng phải chấp nhận sử dụng những loại cốc giã trong suốt, nhìn thấy rõ chanh và đá, nhưng sẽ dễ vỡ và phải thay liên tục. 

Vượt quãng đường gần 30km, cặp anh em mỗi ngày bán 300 ly "trà chanh giã tay" - Ảnh 6.

Những chiếc ly dùng để giã chanh và đá.

Ngoài cơ sở ở Quảng Bá, anh Hảo cũng kết hợp với một người chị mở thêm cơ sở 2 ở Nguyễn Biểu. 

Vượt quãng đường gần 30km, cặp anh em mỗi ngày bán 300 ly trà chanh giã tay - món thức uống hot nhất vào lúc này - Ảnh 7.