Trong bối cảnh đại dịch bùng phát và lan rộng, hầu hết mọi người sẽ có xu hướng tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, và chắc chắn trong số đó không thể thiếu các chuyên gia tài chính. Với kinh nghiệm và tài năng của mình, họ có thể nhìn thấy nhiều vấn đề của nền kinh tế hơn, có những góc nhìn riêng biệt hơn về cùng một vấn đề so với người bình thường, để từ đó có phản ứng thích hợp cả trong ngắn và dài hạn.
Suze Orman
“Cách duy nhất để bạn có thể kiểm soát vĩnh viễn tình hình tài chính của mình là đào sâu và khắc phục gốc rễ từng vấn đề. Nếu bạn không nắm bắt và hiểu rõ túi tiền của mình, bạn đang đặt tài chính cá nhân của bản thân vào tình trạng rủi ro".
Lời khuyên của Suze Orman về đảm bảo an ninh tài chính cá nhân đặc biệt hữu ích, giúp mọi người chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể phát sinh. Hãy đảm bảo bạn đã có một quỹ tiết kiệm trong trường hợp khẩn cấp đủ để trang trải các chi phí trong ít nhất sáu tháng, tập trung vào thói quen chi tiêu trong tầm kiểm soát, giảm nợ và chỉ mua sắm những gì thiết yếu.
Warren Buffett
“Về dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Trong thế kỷ 20, Mỹ đã phải chịu đựng hai cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc xung đột quân sự đau thương và tốn kém khác; một cuộc Đại suy thoái; hàng chục cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính; những cú sốc trên thị trường dầu mỏ... Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones vẫn tăng từ 66 lên 11.497 điểm".
Những lời tiên tri Warren Buffett từng nói trên tạp chí The New York Times vào năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc Đại suy thoái, một lần nữa lại chứng minh tầm nhìn của huyền thoại đầu tư nổi tiếng thế giới trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
“Đại dịch chắc chắn là sự kiện tác động mạnh nhất tới nền kinh tế trong nhiều năm… nhưng vào thời điểm này năm sau, nó sẽ không còn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nữa", chuyên gia Asher Rogovy của Magnifina nhận định.
Mellody Hobson
“Tôi biết nhiều người tránh phố Wall vì nhận thức chứng khoán là thị trường rủi ro, nhưng tôi tin rằng rủi ro lớn nhất là không có bất cứ hành động gì".
Tremaine Wills, cố vấn đầu tư tại Mind Over Money, rất yêu thích câu nói này của Mellody Hobson. Theo ông, nỗi sợ hãi rủi ro khiến nhiều người do dự không dám đưa ra quyết định, do đó càng khiến tình trạng căng thẳng tài chính kéo dài. “Thay vì sợ hãi, hãy cố gắng cân nhắc rủi ro ở nơi mang lại lợi ích cho bạn", ông Tremaine Wills nói.
Mark Cuban
“Tạo ra cơ hội nghĩa là tìm kiếm nơi những người khác không nhìn đến".
Với tư cách là một nhà đầu tư, khả năng nhìn nhận những quan điểm trái chiều, tận dụng tâm lý bầy đàn có thể mang lại danh mục đầu tư tuyệt vời thông qua cách tiếp cận chiến lược và có hệ thống.
“Đầu tư vào các lĩnh vực không được ưa chuộng và các loại tài sản đang bị nhà đầu tư khác xa lánh có thể mang lại cơ hội tạo ra giá trị lâu dài", Nicole Tanenbaum, nhà hoạch định chiến lược đầu tư của Chequers Financial Management khẳng định.
Thị trường chứng khoán thời gian qua chao đảo khá mạnh, nhưng đây cũng là thời cơ để bạn đầu tư vào những cổ phiếu tốt khi chúng giảm giá mạnh.
Dave Ramsey
“Hãy sống như không có ngày hôm nay, vì vậy bạn có thể sống như không có người khác vào ngày mai".
Câu nói này của Dave Ramsey đã truyền cảm hứng cho Jeff Rose, người sáng lập trang web tài chính cá nhân Good Financial Cents. “Đại dịch là có thật và sẽ không sớm biến mất”, Rose nói. “Hầu hết mọi người đang nín thờ chờ đợi, hy vọng công việc của họ vẫn an toàn, hoặc họ sẽ có một công việc mới và tiền tiết kiệm của họ sẽ không cạn kiệt. Nhưng đó không phải là cách tiếp cận phù hợp. Đã đến lúc phải chủ động và cắt giảm, kiềm chế thói quen chi tiêu cũng như bắt đầu kiếm tiền".
Charlie Munger
“Nếu bạn muốn trở thành người có thành tích vượt trội, chỉ cần ngồi xuống và dành hầu hết cuộc đời để đọc sách".
Câu nói của nhà đầu tư Charlie Munger nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết tài chính, đồng thời khẳng định sự tò mò và kiến thức là chìa khóa cho phương thức kiếm tiền thông minh. Năm 2020 đã mang lại nhiều điều không mong muốn, nhưng ở mặt tích cực, nó tạo ra cơ hội để mọi người học hỏi thêm những điều họ luôn muốn học, như cách cải thiện tài chính cá nhân hoặc cách tiến lên ở những chặng đường tiếp theo trong hành trình sự nghiệp.
Farnoosh Torabi
“Tiền bạc là một nguồn tài nguyên. Nó không tốt, không xấu, không phải quỷ dữ, chỉ là một nguồn tài nguyên mà thôi".
Câu nói của chuyên gia tài chính cá nhân Farnoosh Torabi giúp mọi người nhìn nhận thẳng vào bản chất của tiền bạc một cách đơn giản và rạch ròi hơn. Nếu bạn thấy mình đang vấp phải những lo lắng về tiền bạc khi tài chính cá nhân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, hãy hít thở sâu và tự hỏi bản thân xem bạn nghĩ tiền là “tốt” hay “xấu”, sau đó tập trung vào việc buông bỏ những mối liên hệ đó để lấy lại nhận thức về tiền bạc và loại trừ những mối căng thẳng mình đang vướng phải.
Benjamin Graham
“Suy cho cùng, sự vận động của các khoản đầu tư của bạn không quan trọng bằng cách bạn hành xử".
Cái nhìn sâu sắc dí dỏm của cha đẻ đầu tư giá trị Benjamin Graham nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không để cảm xúc chi phối hành động của bạn.
“Graham và nhiều nhà đầu tư huyền thoại khác tin rằng đầu tư mà không có một kế hoạch vững chắc, không có sự kiên nhẫn và kỷ luật để theo sát kế hoạch đó, sẽ khiến nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của bản thân, dẫn tới những kết quả thảm hại", chuyên gia tài chính cá nhân Richard Best nhận định. Trong thời điểm đại dịch, hãy cảm nhận cảm xúc của bạn, nhưng đừng để chúng ảnh hưởng tới những quyết định tài chính của bản thân.
Peter Lynch
"Đầu tư vào những gì bạn biết rõ".
Lời khuyên của cựu giám đốc quỹ Magellan Peter Lynch luôn được đánh giá cao trong bất cứ hoàn cảnh thị trường nào.
Hãy tận dụng kiến thức chuyên môn, những hiểu biết cá nhân của bạn về một sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp để xác định cơ hội đầu tư trước khi chúng được biết tới rộng rãi. Ở thời điểm kinh tế khó khăn như lúc này, nhiều người có thể cảm thấy e ngại khi bỏ vốn đầu tư, nhưng đừng để nỗi lo lắng cản đường bạn, nhất là khi quãng thời gian đại dịch lại chứng kiến sự bùng nổ về số lượng tỷ phú trên thế giới.
Zig Ziglar
"Hy vọng những điều tốt nhất. Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tận dụng những gì đang đến".
Howard Dvorkin, Chủ tịch của Debt.com, đánh giá cao câu nói của bậc thầy nghề sale Zig Ziglar trong thời kỳ đen tối này.
“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, tôi đã kêu gọi người Mỹ nắm giữ những gì họ có và trả nợ nếu họ có thể”, Dvorkin nói. “Nhiều định chế tài chính dự đoán quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp và khó khăn, nhưng vẫn còn thời gian để mọi người đánh giá lại kế hoạch tiết kiệm của mình trong thời kỳ suy thoái. Hãy ghi nhớ rằng: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc".
Jim Rohn
“Thời gian quý hơn tiền bạc. Bạn có thể có nhiều tiền hơn, nhưng bạn không thể có nhiều thời gian hơn".
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, nhiều người đã nhận ra rằng thời gian của họ đáng giá bao nhiêu. Tất nhiên, tiền vẫn quan trọng, nhưng rất nhiều người đang bắt đầu cân nhắc tới việc chuyển đổi hoặc chuyển hướng sự nghiệp, điều lẽ ra họ nên làm từ nhiều năm trước.