Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố kết quả nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và nhóm nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), xếp chất tạo ngọt aspartame vào danh sách chất có khả năng gây ung thư, cùng với hơn 300 chất khác.
Nghiên cứu xếp chất aspartame vào danh sách các chất gây ung thư thuộc phân nhóm 2B, sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết "không có bằng chứng thuyết phục" nào cho thấy aspartame nguy hiểm nếu mọi người không tiêu thụ hơn 40mg mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Đây cũng là giới hạn an toàn hiện tại đang được áp dụng.
Như vậy, với hàm lượng này, một người trưởng thành với cân nặng 70kg tiêu thụ hơn 12 lon nước ngọt dành cho người ăn kiêng mỗi ngày mới đối mặt với nguy cơ cao mắc ung thư.
Chất tạo ngọt Aspartame là gì?
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo có hàm lượng calo thấp, ngọt hơn đường khoảng 200 lần và là chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Aspartame được tìm thấy trong khoảng 6.000 sản phẩm trên toàn thế giới từ soda ăn kiêng, kẹo cao su không đường, đến kem đánh răng hoặc thuốc, nhưng thường được thấy nhiều nhất trên nhãn của các sản phẩm được tiếp thị là "ăn kiêng" hoặc "không đường".
Trong quá khứ, aspartame từng gây tranh cãi về tác dụng phụ của nó và một số nghiên cứu đã chỉ ra liên kết giữa aspartame với việc tăng cân, tăng cảm giác thèm ăn, tiểu đường và các bệnh liên quan đến béo phì.
Aspartame được chính thức phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) năm 1974, với lượng tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được là 50 miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng đã đánh giá mức độ an toàn của aspartame vào năm 1981 và đặt giới hạn an toàn hằng ngày thấp hơn một chút, ở mức 40 miligam aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.