Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là thuật ngữ chỉ nhóm bệnh lớn, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Ung thư nghĩa là có các tế bào phát triển bất thường, vượt ra ngoài ranh giới của chúng, xâm lấn các bộ phận liền kề của cơ thể và lan sang các cơ quan khác, quá trình sau này được gọi là di căn. Di căn là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, ước tính khoảng 9,6 triệu ca tử vong vào năm 2018. Theo WHO, một số yếu tố sau đây là yếu tố chính gây ra bệnh ung thư ở con người:
1. Người có yếu tố di truyền hoặc tiếp xúc với các tác nhân ung thư
Ung thư là căn bệnh không có tính truyền nhiễm cao. Dù vậy, nó vẫn là một căn bệnh có tính di truyền. Nghĩa là nếu một người thân gần gũi như bố mẹ, anh em ruột mắc loại ung thư này thì khả năng người còn lại cũng có thể mắc bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, có 5 loại ung thư dễ di truyền nhất đó là ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan và ung thư vòm họng.
Ngoài yếu tố di truyền, ung thư còn xuất hiện khi một người tiếp xúc với 3 tác nhân đó là:
- Chất gây ung thư vật lý, chẳng hạn như tia cực tím và bức xạ ion hóa.
- Chất gây ung thư hóa học, chẳng hạn như amiăng, các thành phần của khói thuốc lá, aflatoxin, asen...
- Chất gây ung thư sinh học, chẳng hạn như nhiễm trùng từ một số loại vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Theo WHO, lão hóa là một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng đột biến theo độ tuổi do cơ chế sửa chữa tế bào kém hiệu quả hơn khi một người già đi.
2. Người hút thuốc lá
WHO cho biết: Thuốc lá là "thủ phạm" giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi rút corona và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường...
3. Người uống rượu bia
Theo WHO, đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn tỉ lệ gây ung thư cao nhất. Trong khi hầu hết các loại ung thư đều gây ra do lượng tiêu thụ rượu quá lớn thì có nhiều trường hợp mắc ung thư vú chỉ vì thói quen uống một ly rượu mỗi ngày.
4. Người có chế độ ăn không lành mạnh
WHO đánh giá chế độ ăn là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ ung thư. Trong đó, đồ uống có cồn, thực phẩm chứa aflatoxin, cá muối kiểu Trung Quốc, thịt được bảo quản, thực phẩm bảo quản bằng muối, đồ uống và thực phẩm nóng... là những thực phẩm mà tổ chức này khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng.
5. Người lười vận động
Các nghiên cứu của WHO cho thấy hơn 80% thanh thiếu niên trên toàn thế giới không vận động đủ. Trong khi đó, hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và cơ bắp, cũng như tim và phổi. Nó giúp những người trẻ tuổi tránh mắc bệnh béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường.
6. Người mắc một số bệnh nhiễm trùng mãn tính
Một số bệnh nhiễm trùng mãn tính là yếu tố nguy cơ gây ung thư và có liên quan lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 15% trường hợp ung thư được chẩn đoán vào năm 2012 là do nhiễm chất gây ung thư, bao gồm Helicobacter pylori, Human papillomavirus (HPV), virus viêm gan B, virus viêm gan C và virus Epstein-Barr.
Virus viêm gan B và C và một số loại HPV làm tăng nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HIV làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung.
WHO khuyến cáo những điều cần làm để ngừa ung thư hiệu quả
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 30-50% ca ung thư hiện có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ và thực hiện các chiến lược phòng ngừa.
Cụ thể là:
- Từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá.
- Tránh thừa cân, béo phì.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với trái cây và rau.
- Hoạt động thể chất đầy đủ.
- Tránh sử dụng rượu.
- Phòng ngừa nhiễm trùng do viêm gan hoặc nhiễm trùng gây ung thư khác
- Hạn chế tiếp xúc với khói gia đình.
- Tiêm vắc xin phòng chống virus HPV và virus viêm gan B.
- Kiểm soát các mối nguy nghề nghiệp; giảm tiếp xúc với bức xạ tia cực tím; giảm tiếp xúc với bức xạ ion hóa...
- Chủ động đi khám bệnh để được chẩn đoán và sàng lọc ung thư sớm.
(Theo WHO)