Trong thông báo chính thức, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ tại Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải sẽ vượt ngưỡng 40°C và duy trì trong những ngày tiếp theo.

Theo WMO, nhiệt độ tối thiểu vào ban đêm cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng ca lên cơn đau tim và tử vong. Tổ chức này cho biết, đa số lo ngại dồn vào ban ngày khi nhiệt độ lên đến mức tối đa, nhưng thực tế ban đêm mới là khoảng thơi gian tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là với nhóm những người dễ bị tổn thương.

Chuyên gia cấp cao của WMO John Nairn cảnh báo, thế giới cần sẵn sàng đối mặt với đợt sóng nhiệt dữ dội hơn nữa. Ông dự báo, tuy hàng loạt nước đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong những ngày này, nhưng khả năng cao các kỷ lục này sẽ bị phá vỡ lần nữa trong thời gian tới.

Hôm 17/7, Liên hợp quốc thông báo, mức nhiệt 48,8°C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này, nơi nhiệt độ lên tới 52,2°C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương. 

WMO cảnh báo nguy cơ tử vong do nắng nóng cực độ - Ảnh 1.

(Ảnh: Reuters)

Nhiệt độ đo được ở Thung lũng Chết, bang California, một trong những khu vực nóng nhất trên thế giới, trong chiều 16/7 đã lên tới gần mức kỷ lục 52°C.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh: "Thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước". Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

"Nhiệt độ cao phá kỷ lục, lũ lụt, cháy rừng và mưa lớn đang tàn phá thế giới. Đó chỉ mới là bắt đầu", Đài CBS (Mỹ) chạy dòng tít đáng chú ý hôm 14/7, khi nắng nóng gay gắt và lũ lụt nghiêm trọng càn quét khắp thế giới trong tuần này, khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm. Trong đó, nắng nóng là một trong những mối đe dọa chết chóc nhất đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu.