Tuy nhiên đến Nâm N’giang bây giờ, nhiều người khác “sốc” bởi khung cảnh hoang tàn, ảm đạm.
Đổi đời nhờ hồ tiêu
Theo thống kê, Nâm N’giang là xã có số lượng diện tích hồ tiêu lên đến hàng trăm hecta và là nơi có diện tích hồ tiêu nhiều nhất Đắk Nông.
Cách đây 3 năm, thời điểm giá hồ tiêu lên mức trên dưới 200.000 đồng/kg, đời sống người dân nơi đây vô cùng sung túc.
Hàng chục biệt thự tiền tỷ mọc lên như nấm sau mưa, cả làng đua nhau đi học lái xe, hầu hết nhà nào cũng có ô tô.
Những nhà ít diện tích hồ tiêu cũng mua được xe 300 - 500 triệu đồng, nhà nhiều tiền hơn thì mua xe tiền tỷ trở lên.
Các dịch vụ vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều, trung tâm thương mại, khu buôn bán vô cùng sầm uất. Thời điểm này, người ta ví trung tâm xã Nâm N’giang giống một thị tứ cấp huyện.
Một người dân địa phương sống gần trung tâm xã Nâm N’giang kể lại, thời hoàng kim của hồ tiêu, được mùa lại được giá, người dân Nâm N’giang cho con đi học các trường ở thành phố lớn. Nhà nào cũng xây nhà lầu, mua ô tô và thường xuyên đi ăn uống quán xá, khác xa hình ảnh cuộc sống lam lũ trước khi tiêu lên giá.
Thê thảm khi hồ tiêu rớt giá
Không ai ngờ, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu xuống thê thảm chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg, nhiều người dân Nâm N’giang bỗng chốc tay trắng trước sự sững sờ của nhiều người.
Nhiều nhà lầu, biệt thự treo biển bán mà chẳng ai buồn ngó ngàng. Nhiều người bị xiết nhà vì không còn khả năng trả nợ.
Có những biệt thự tiền tỷ sắp hoàn thành phải ngừng lại, gia chủ cũng bỏ đi luôn.
Các cửa hàng, dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí đóng cửa im lìm; chợ trung tâm vắng vẻ, thê lương không còn cảnh giao dịch, buôn bán nhộn nhịp như trước.
Theo chia sẻ của nhiều người dân ở xã lân cận, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân Nâm N’giang đang là tỷ phú bỗng rơi vào cảnh “tay trắng” là khi được mùa tiêu, họ bị cuốn theo “cơn lốc” vay ngân hàng để tái đầu tư hoặc xây nhà cửa, mua xe ô tô. Khi tiêu xuống giá thảm hại, họ không còn khả năng trả nợ.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay rất nhiều thanh niên ở xã này đã bỏ xứ, tìm đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai hay về TP.HCM làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Một chủ tiệm may quần áo gần chợ trung tâm xã cho biết, chỗ này có 6 ki ốt nhưng chỉ còn mỗi mình chị trụ lại, còn 5 chủ kia đã đi hết.
“Cách đây 3 năm, khi giá hồ tiêu lên cao, các cửa hàng ăn uống hay cắt tóc, làm đẹp còn sống được thoải mái. Từ khi xuống giá chạm đáy không còn khách hàng nữa, họ đã trả lại mặt bằng và rời đi trong lặng lẽ”, tiểu thương này thông tin.
Ông Nguyễn Minh Sang, Bí thư xã Nâm N’giang chia sẻ, thực trạng tiêu rớt giá đã làm cho bà con khó khăn là đúng, hiện khoảng 70% thanh niên trong xã đến độ tuổi lao động đã đi kiếm việc làm ở các thành phố lớn.
Cũng theo ông Sang, cách đây 2 năm, khi tiêu đang lên giá, thống kê trong toàn xã Nâm N’giang có tới hơn 300 chiếc ô tô, đến nay chỉ còn khoảng 120 chiếc.
Nhớ về những hình ảnh sầm uất tấp nập mới vài năm trước mà buồn, ông Sang ngậm ngùi chia sẻ:
“Bà con khi đó “đếm cua trong lỗ”, thấy tiêu lên giá cứ thế tới các hãng ô tô lấy xe về chạy đầy đường, xây nhà lầu tiền tỷ, mở rộng diện tích hồ tiêu và đinh ninh mùa sau sẽ trả hết nợ. Nhưng mọi việc không như dự tính”.
Mặc dù đã từng là xã giàu nhất tỉnh Đắk Nông, song ở Nâm N’giang, tỷ lệ hộ nghèo vẫn khá cao. “Hiện nay chính quyền địa phương đang thực hiện mô hình “5 trong 1”, tức là 5 đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo. Sau một thời gian áp dụng mô hình này, thống kê cho thấy hộ nghèo ở địa phương đã giảm rõ rệt”, ông Sang cho hay.