Ngày 4/7 vừa qua, bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ tên là N. T. H (Quảng Ninh) trong tình trạng xuất huyết âm đạo ồ ạt, ngất, người tái xanh, mạch nhỏ, huyết áp tụt, nhịp tim rời rạc.

Người nhà chị H. cho biết, chị bị lây nhiễm virus HIV từ chồng, chồng chị đã mất cách đây 11 năm cũng vì căn bệnh này. Ngày 4 vừa rồi, chị thấy đau bụng rồi xuất huyết âm đạo, con và em chị đã đưa ngay chị H. vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng Khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh cho biết, khi tiếp nhận tình trạng nguy kịch của bệnh nhân này, bác sĩ cùng những y bác sĩ khác đã tiến hành khám chữa cấp cứu rất nhanh và “nếu để chậm hơn vài phút, bệnh nhân sẽ khó lòng qua khỏi. Và chúng tôi không được quyền làm vậy”.

Tình trạng nguy kịch của bệnh nhân khiến ngay lập tức, các y, bác sĩ cấp cứu phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân để cầm máu. Tử cung đã bị hoại tử, không thể bảo tồn buộc cắt bỏ để bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu. Do quá trình phẫu thuật diễn ra khẩn trương, không thể chậm trễ nên sau phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, 18 y bác sĩ đã giúp chị chiến đấu lại với tử thần. Sau khi hoàn tất ca phẫu thuật, cả nhóm bác sĩ không ai nói với ai câu nào khi biết kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân bị nhiễm HIV. Ai cũng biết mình có khả năng phơi nhiễm HIV. Trong số đó, có 3 nữ y, bác sĩ đang mang bầu.

bác sĩ
BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân N.T.H sau khi phẫu thuật. (Ảnh Lao Động).

Ngay sau ca phẫu thuật, 18 y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật, trong đó có 5-6 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đều được uống kháng virus dự phòng HIV.

Bác sĩ Khải nói thêm: “18 y bác sĩ chúng tôi đều là những người bình thường, đều có gia đình, bạn bè của mình, và đương nhiên trước thông tin kia, ai cũng lo lắng. Hiện chúng tôi vẫn đi làm, vẫn khỏe mạnh tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng mình có bị nhiễm HIV hay không, chúng tôi đều lưu ý bảo vệ mình, người thân của mình”.

Trước những việc làm vô cùng đáng khâm phục này, lãnh đạo bệnh viện quyết định trao thưởng đặc biệt cho 18 vị bác sĩ, y tá.

Khi cứu sống người phụ nữ này, y bác sĩ nào cũng luôn khiêm tốn, họ cho rằng bất kỳ ai trong hoàn cảnh của họ cũng sẽ làm vậy, dốc lòng tận tụy với bệnh nhân.

Hiện tại, bác sĩ Khải cùng 17 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang uống thuốc phơi nhiễm hàng ngày. Sau 3 và 6 tháng, họ sẽ có kết quả chính thức về tình trạng lây nhiễm của mình.

Theo lý giải của lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội, thông thường, các sản phụ được xác định nhiễm HIV sẽ được bố trí sinh mổ tại một phòng riêng tại BV với quy trình hết sức nghiêm ngặt phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và các sản phụ, bệnh nhân đến sinh và điều trị. Tuy nhiên, với ca bệnh nêu trên, do bệnh nhân đến trong tình trạng mất máu ồ ạt, ngưng tim, thời gian sống tính bằng tích tắc nên các các bác sĩ đã phải phẫu thuật ngay, kịp thời cứu sống người bệnh mà không thể chờ có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV. Hiện sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, 18 y, bác sĩ của bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ nhiễm HIV đều có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với HIV.

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, 18 y, bác sĩ của BV Phụ sản Hà Nội đã được uống thuốc kháng virus rất sớm. Hằng năm, cả nước có hàng trăm trường hợp nhân viên y tế phơi nhiễm HIV trong quá trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Tất cả đều được dùng thuốc dự phòng kịp và chưa có trường hợp y, bác sĩ nào bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp. Thuốc dự phòng cần được uống càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ đầu sau khi phát hiện phơi nhiễm. Sau thời điểm này, hầu như không có tác dụng bảo vệ.

Lãnh đạo bệnh viện chia sẻ, 18 y, bác sĩ này không kịp mặc bảo hộ chuyên dụng phòng tránh HIV, dịch máu của bệnh nhân lại phun ra rất mạnh nên mức độ phơi nhiễm không hề nhỏ.  Trước tình huống này, lãnh đạo bệnh viện nhận định cần nhìn vào đây để rút kinh nghiệm đối với bệnh viện và với nhiều phòng khám cấp cứu ở các viện phụ sản khác như: Cần trang bị sẵn bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu. Thông thường, các bệnh viện chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật, chưa gặp trường hợp nào phải mổ ngay tại phòng khám.

Bác sĩ khuyến cáo, gia đình bệnh nhân, nếu biết trước bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm, nên báo ngay cho thầy thuốc khi vào viện, mặc dù kết quả xét nghiệm sẽ có nhưng sẽ chậm hơn.