Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam được khởi công từ tháng 8/2012.
Với sự trân trọng những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, HĐND TP Hà Nội mới đây đã đặt tên tuyến đường từ đầu phía Bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt giữa đường dẫn nút giao phía Nam quốc lộ 18 là đường Võ Nguyên Giáp.
Hiện tại tất cả các hạng mục của đường Võ Nguyên Giáp đã gần như hoàn thành. Hàng cây cảnh trồng ở tim đường để tạo cảnh quan cũng được các công nhân hoàn thiện.
Hệ thống đèn chiếu sáng đã được lắp đặt hoàn thiện ở toàn bộ con đường.
Theo khảo sát của chúng tôi trước ngày khánh thành, mặt đường được làm rất tốt, bề mặt nhựa phẳng, không gồ ghề mặc dù đường trải qua nhiều địa hình phức tạp.
Có nhiều cầu vượt bộ hành hoặc hầm chui dành cho xe cơ giới qua đường.
Tại một số nút giao trọng điểm, những thảm cỏ lớn hoặc hệ thống cây xanh được trồng và một vài năm nữa sẽ mang lại cảnh quan ấn tượng cho con đường.
Đơn vị thi công gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng.
Tại địa phận huyện Đông Anh, một số đường dẫn vào/ra đường Võ Nguyên Giáp cũng được đơn vị thi công nhanh chóng thực hiện thi công phần còn lại.
Điểm cuối cùng của đường Võ Nguyên Giáp là nhà ga T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Đường Võ Nguyên Giáp nối sân bay Quốc tế Nội Bài về trung tâm thủ đô, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội.
Cùng với đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 - cảng hàng không Quốc tế Nội bài thì Cầu Nhật Tân sẽ được khánh thành và gắn biển vào ngày 4/1/2015 tới đây.
Cầu Nhật Tân có điểm đầu nối với đường Võ Chí Công (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), điểm cuối nối với đường Võ Nguyên Giáp (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) sẽ được khánh thành. Cầu có chiều dài hơn 3,7km, rộng 33,2m.
Cây cầu này trước đó cũng đã được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada đề xuất với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt tên là cầu "Hữu nghị Việt - Nhật".
Một số công nhân chỉnh lại dải phân làn xe trước ngày khánh thành cầu.
Các công nhân gấp rút lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu được Bộ GTVT phê duyệt năm 2006 với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 8,3 km, riêng cầu vượt sông Hồng dài 3,9 km với 4 làn xe, vận tốc 80km/h.