Có ít nhất hai tay súng đã sử dụng vũ khí tự động tấn công vào tòa soạn của tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo. Vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 12 người, phần lớn trong số các nạn nhân làm việc tại tòa soạn.
Một bức ảnh đăng trên Twitter cho thấy đạn đã bắn vỡ kính cửa sổ của văn phòng tòa soạn báo Charlie Hebdo.
Tòa soạn Charlie Hebdo nằm ờ số 10, đường Nicolas Appert, quận 11, Paris. Tạp chí châm biếm này ra mắt lần đầu tiên vào năm 1969.
Do không bán được, Charlie Hebdo ngừng xuất bản sau số 580 vào năm 1981. Trước khi tạm dừng hoạt động, Charlie hầu như không được người đọc lựa chọn và cũng không thu được lợi nhuận từ việc quảng cáo.
Năm 1992, Philippe Val, Gébé, Cabu và cả ca sĩ Renaud đã hùn tiền tài trợ để tái xuất bản lại tạp chí Charlie. Số đầu tiên của lần "tái xuất" này được in 120.000 bản, những số sau đó của tạp chí tiếp tục đạt được thành công rực rỡ với số bản in thường xuyên lên đến 140.000 bản. Cho đến năm 2006, Charlie Hebdo không còn ở trong thời kỳ hoàng kim nữa. Cả năm 2009, chỉ có khoảng 55.000 bản được bán ra, đến năm 2011, giảm xuống còn 50.000 bản.
Có 20 họa sĩ và 30 biên tập viên làm việc tại tạp chí Charlie Hebdo. Trong số các họa sĩ có một số tên tuổi khá nổi tiếng như Luz, Willem, Riad Sattouf. Gérard Biard, Marine Chanel, Jean-Yves Camus, Patrick Pelous, Bernard Maris, Luce Lapin, Fabrice Nicolino cũng là những biên tập viên được đánh giá cao.
Thứ tư hàng tuần, tòa soạn có cuộc họp giao ban. Các tay súng đã chọn đúng thời điểm này để thực hiện cuộc tấn công vào trụ sở của tạp chí. Charb - người đứng đầu tòa soạn cùng các họa sĩ Cabu, Wolinski và Tignous đã thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 7/1.
Với nhiều loạt bài, hình vẽ gây tranh cãi, những năm gần đây, tạp chí Charlie Hebdo thường xuyên bị đe dọa tấn công.
Ngày 8/2/2006, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra khi tờ tạp chí này định xuất bản ấn phẩm với 12 hình vẽ biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Theo giới luật của đạo Hồi, điều này đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhà tiên tri và những người theo đạo này. Số xuất bản đầu tiên tại Đan Mạch của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo cũng đã khơi lên những cuộc biểu tình có cả bạo lực trong thế giới Hồi giáo vì những hình vẽ được cho là đầy tính khiêu khích.
Năm 2011, những tranh luận gay gắt lại tiếp tục dậy sóng khi hình ảnh nhà tiên tri Mohammed lại tiếp tục xuất hiện trên trang bìa của Charlie Hebdo. Khi số báo này chưa kịp phát hành thì tòa soạn của tờ tạp chí đã bị hỏa hoạn vào đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 tháng 11.
Theo Lemonde