Cho – nhận sữa mẹ và những “rào cản”

Trên nhiều các diễn đàn dành cho mẹ và bé, mạng xã hội Facebook, không hiếm những thông tin xin sữa cho con được nhiều người mẹ đăng tải và nhận được sự ủng hộ của các mẹ đang cho con bú. Những lời vận động xin sữa cho trẻ mồ côi, trẻ sinh non, trẻ bị bệnh có sức đề kháng yếu cũng được quan tâm.

Những câu chuyện, những lời chia sẻ của nhiều người mẹ trẻ không thể hoặc không có sữa cho con bú khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Như chuyện của chị Thu Ngà. Chị kể, mình đang mang thai tháng thứ bảy và khao khát nuôi con bằng sữa mẹ. Khi khám thai, chị phát hiện mình bị bệnh bướu cổ Basedown, kèm theo bị bệnh tim và được bác sĩ khuyên không nên cho con bú mẹ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và con. Chị đăng đàn với hy vọng những người mẹ có thừa sữa có thể giúp chị nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và lâu hơn nữa.

Hay như lời cầu khẩn xin sữa của chị Minh Lê: con gái chị bị một bệnh da liễu hiếm gặp, kèm theo dị ứng đạm trong sữa bò, thịt bò và dị ứng hải sản. Nhờ được dòng sữa quyên góp được từ các mẹ đang cho con bú, mà chủ yếu “quen” qua mạng xã hội, sau gần một năm chạy chữa, bệnh tình của con chị đã thuyên giảm, nhưng vẫn chưa đủ sức đề kháng để chiến thắng bệnh tật. Sữa xin được đã cạn, chị lại một lần nữa lên mạng kêu gọi, xin sữa cho con.

Cho sữa mẹ qua mạng: Hành động đẹp của những bà mẹ hiện đại 1
Status của một người mẹ sẵn sàng đi hơn 100 km để xin sữa cho con. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều người mẹ có nhiều sữa cũng lên mạng đăng tin tặng sữa cho những em bé cần sữa mẹ. Nguồn sữa “thừa” này có được là do các mẹ đang nuôi con nhỏ lo xa, bên cạnh cho con bú còn vắt ra trữ đông, đề phòng trường hợp đột xuất. Khi thấy có các trường hợp cần sữa, họ sẵn sàng chia sẻ kho “vàng lỏng” để dành của mình. 

Cho sữa mẹ qua mạng: Hành động đẹp của những bà mẹ hiện đại 2

Chị V.P.L (Hà Nội) sẵn sàng tặng "kho" sữa để dành cho những người mẹ thiếu sữa. (Ảnh chụp màn hình)

Phong trào cho, tặng sữa mẹ thông qua các mạng xã hội, diễn đàn nở rộ, tạo cơ hội cho rất nhiều trẻ em cần sữa mẹ. Nhiều người mẹ đã vượt qua hàng trăm km để tìm đến xin sữa cho con. Chỉ tính riêng trong cộng đồng Hội Sữa mẹ Betibuti và Ngân hàng sữa mẹ trên mạng xã hội Facebook, chương trình “hiến sữa nhân đạo” mà các admin kêu gọi, chỉ tính trong thời gian 12/7/2014 đến 28/9/2014 đã ghi nhận được hơn 1.112 lít sữa được cho tặng (số liệu do admin cung cấp).

Cho sữa mẹ qua mạng: Hành động đẹp của những bà mẹ hiện đại 3
Lời kêu gọi xin sữa mẹ của admin Ngân hàng sữa mẹ. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, hiện cũng trên các diễn đàn, nhiều mẹ xin sữa vẫn còn có những băn khoăn về nguồn sữa xin được. Các mẹ thường đặt nhiều câu hỏi về độ an toàn của nguồn sữa cho tặng, tình trạng sức khỏe của mẹ cho sữa, tình trạng bảo quản sữa… Nhiều mẹ “điều tra” quá kỹ người cho sữa, đôi khi khiến người cho chạnh lòng. Một người mẹ đăng tin cho sữa trên diễn đàn đã tâm sự, chị thấy buồn lòng khi “một số mẹ cũng hỏi mình kỹ lắm, nào là sữa để bao lâu, có chất lượng không, có tiệt trùng bình trước khi để không, sao không dùng bình trữ sữa mà để lại dùng bình nước suối, còn hỏi mình thấp bé thế nào nữa…”, trong khi, những chai sữa trữ đông chị đem tặng cũng là sữa con chị đang dùng.

Cho sữa mẹ qua mạng: Hành động đẹp của những bà mẹ hiện đại 4
Lời chia sẻ của một mẹ tặng sữa khi bị "điều tra" quá sâu về nguồn sữa tích trữ. (Ảnh chụp màn hình)

Với những mẹ cho sữa, đôi khi cũng vấp phải sự ngăn cản của gia đình. Chị Mai Anh (thành phố Hồ Chí Minh) kể, nhờ biết cách cho con bú kết hợp hút sữa hợp lý, ngày nào chị cũng để dôi ra được 800 – 1000 ml sữa để trữ đông. Dùng nấu đồ ăn dặm cho con cũng không hết nên chị thường đăng tin tặng sữa. Mẹ chị tỏ ra không bằng lòng, đi “vận động” họ hàng làm áp lực để chị “dừng cái việc bao đồng ấy đi” với lý do “tôi tẩm bổ cho nó để nó có sữa nuôi con, chứ không phải đi cho tùm lum như vậy. Hút nhiều quá, sữa còn đâu chất bổ nữa chứ! Thừa quá thì hút ra rồi tự uống vào cho bổ cũng được vậy”.

 “Kỳ thị” sữa mẹ cho tặng là không có căn cứ 

Theo chị Lê Nhất Phương Hồng - sáng lập viên chuyên trang kiến thức nuôi con sữa mẹ Betibuti, chuyên gia tư vấn nuôi con sữa mẹ (Chứng chỉ do Viện Sữa Mẹ Quốc tế International Institute of Human Lactation Inc cấp), không nên “kỳ thị” sữa mẹ cho tặng hay so sánh với sữa mẹ ruột. Chị chia sẻ: “Trong nhiều tài liệu của WHO/ UNICEF, WHO nêu thứ tự ưu tiên là: 1- sữa mẹ ruột (bú trực tiếp); 2- sữa mẹ ruột vắt trữ; 3- sữa mẹ khác cho tặng (HIV âm tính, thanh trùng); 4- sữa bột cho trẻ em (sữa công thức).

Ưu tiên sữa mẹ (HIV âm tính) đã thanh trùng trước sữa bột cho trẻ em là vì rủi ro nhiễm bệnh từ mẹ khác rất nhỏ so với lợi ích của nó đối với em bé, và so với rủi ro tác hại trước mắt và lâu dài khi dùng sữa bột cho trẻ em (vốn dĩ được sản xuất cho những trường hợp rất hiếm, chứ không phải để dùng đại trà một cách đầy ngộ nhận như hiện nay). Rủi ro này hầu như không có, nếu sữa được vắt trữ bảo quản vận chuyển hợp lý và thanh trùng trước khi sử dụng. Phương pháp thanh trùng cũng rất đơn giản, mọi gia đình đều có thể thực hiện mà không cần một dụng cụ hay trình độ gì đặc biệt
”.

Nói cách khác, chỉ trừ HIV, người mẹ cho sữa nếu có mắc bệnh truyền nhiễm, em bé nhận sữa cũng ít có khả năng lây bệnh, mà lại được nhận một phần kháng thể. Kháng thể trong sữa mẹ có hai loại, một loại là kháng thể tổng quát - miễn nhiễm tổng quát, có nghĩa là cho các loại bệnh và loại khuẩn phổ biến trong môi trường mà mẹ và con cùng sống; một loại là kháng thể chỉ định, thay đổi trong từng thời điểm. Bé bú sữa mẹ khác (sau khi thanh trùng) có thể không có được kháng thể chỉ định như sữa mẹ ruột nhưng vẫn nhận được một phần kháng thể tổng quát. Kháng thể từ sữa mẹ người là protein thân thiện với cơ thể bé, nếu bị “gãy” do thanh trùng hay quá trình vận chuyển có thể chuyển thành protein dinh dưỡng. Về mặt dưỡng chất, sữa người thanh trùng có mất một số chất nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bé phát triển.

Cho sữa mẹ qua mạng: Hành động đẹp của những bà mẹ hiện đại 5
Bảng ghi chú cách xử lý nhiệt với sữa mẹ và hiệu quả kèm theo. (Ảnh chuyên gia cung cấp)

Về nỗi lo người mẹ cho sữa sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc giảm chất lượng sữa, chuyên gia phân tích: “Một bà mẹ bơm hút sữa tăng hơn nhu cầu thực tế của con mình để đem cho, tặng cũng tương tự như một người mẹ sinh đôi hay sinh ba, nên việc tạo thêm sữa có thể giúp bà mẹ sau sinh phục hồi vóc dáng nhanh hơn. Sức khoẻ của người mẹ không phải chỉ ở việc lưu giữ năng lượng, mà còn ở tinh thần lạc quan, tự tin, sảng khoái. Nếu việc hút sữa giúp bà mẹ tự tin và thích thú với ý nghĩa của việc hiến tặng sữa, chắc chắn người mẹ đó sẽ càng mạnh khoẻ hơn. Còn với bà mẹ cảm thấy mình đã quá gầy, không còn nguồn mỡ thừa tích tụ từ quá trình mang thai, thì chỉ nên đủ sữa để nuôi con mình là tốt rồi”.

Chị cho biết thêm, quan điểm chất lượng sữa sẽ giảm nếu người mẹ tạo ra nhiều hơn lượng sữa cần thiết cho con mình là ngộ nhận, bởi: “chất lượng khá ổn định cho dù lượng sữa tăng hay giảm. Không có lẽ bà mẹ sinh ba thì sữa sẽ ít chất hơn bà mẹ một con, nếu bà mẹ đó nuôi cả ba bằng sữa mẹ hoàn toàn? Để sản xuất được nhiều sữa, bà mẹ không cần bồi dưỡng gì đặc biệt, vì hầu hết các bà mẹ sau sinh có lượng dự trữ (mỡ) lớn, nên chỉ cần dinh dưỡng phong phú và lành mạnh để sử dụng nguồn dự trữ là hợp lý nhất”.

Cho, tặng sữa mẹ là một hành động đẹp cần được trân trọng. Sẵn sàng đùm bọc, chia sẻ một phần sữa quý quá của con mình cho những em bé không do mình sinh ra, đó là cách những người mẹ đang cho con bú thể hiện tình nhân ái. Với những người nhận sữa, chỉ cần thực hiện bảo quản, xử lý đúng cách, họ hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ thành công.