Gần đây, dư luận xôn xao về những đám cưới tốn kém hàng chục tỉ đồng. Có người cho rằng người giàu có được quyền thể hiện đẳng cấp của họ. Có ý kiến lo lắng lối sống phô trương này ảnh hưởng không tốt đến văn hóa sống, khoét sâu vào sự phân hóa giàu nghèo. Có dư luận hào hứng tán thưởng nhưng cũng không ít người chê trách. Nên nhìn hiện tượng này như thế nào? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến một số nhà văn hóa.
 
Đám cưới lãng phí là sỉ nhục người nghèo!
 
Các sự kiện về những đám cưới vượt ngưỡng gần đây cho thấy sự bế tắc của xã hội đã được tích tụ từ lâu. Người giàu bế tắc trong việc chi tiêu đồng tiền một cách hợp lý, thêm vào đó một bộ phận báo chí truyền thông lại bế tắc trong lựa chọn đề tài khai thác nên miêu tả những câu chuyện đó theo kiểu như ủng hộ… đó là hệ quả của những cái bế tắc nối tiếp nhau.
 

Cách người giàu tổ chức đám cưới cho con rõ ràng là một cách khoe của, thậm chí đối với một số người còn là cách để thu hồi vốn. Đám cưới như thế có thể cổ vũ cho lớp trẻ cuộc sống hưởng thụ, trọng phú khi nó vượt qua ngưỡng thì trở thành sự kỳ dị của đời sống, một biểu hiện của việc các mối quan hệ xã hội bị biến dạng và với độ lãng phí của nó theo tôi còn là một sự sỉ nhục đối với những người nghèo khó trong xã hội. (Nhà văn Vương Trí Nhàn)
 
Ngụy biện
 
Văn hóa Việt Nam rất quan trọng mối quan hệ, sống bằng quan hệ, không giống với văn hóa phương Tây là văn hóa dựa trên luật pháp. Các đám cưới phô trương gần đây là dịp người ta khẳng định sự thành đạt, địa vị của mình qua đó để thiết lập và củng cố mối quan hệ. Đó là sản phẩm của lối sống bằng quan hệ.
 
Thế nên cha mẹ tổ chức đám cưới cho con mình không hẳn là vì con cái. Cha mẹ có mục đích của cha mẹ, con cái có mục đích của con cái, kể cả người đến dự cũng có mục đích của họ. Trong số khách mời có những mối quan hệ không thật gần gũi nhưng thông qua đám cưới có thể giúp họ nhìn nhận được uy tín, khả năng của đối tác để đánh giá. Ngoài ra, bằng việc tổ chức đám cưới như thế cũng là cách họ khẳng định sự vượt trội của mình với người khác, mà người nào nằm ở địa vị cao hơn thì sẽ có nhiều lợi thế hơn.
 
Trong một đám cưới gần đây, bà mẹ có nói rằng việc mời các ca sĩ nổi tiếng là để bà con có cơ hội được nghe họ hát, rồi số tiền thu được từ đám cưới sẽ làm từ thiện. Theo tôi, đám cưới xa hoa, lãng phí lớn như thế thì dù nói kiểu gì cũng là ngụy biện. Bởi vì nếu nói mời các ca sĩ để cho bà con có cơ hội nghe họ hát nhưng thực chất là nơi tổ chức đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu của bà con, hay chỉ những khách mời mới được nghe? Nếu vì bà con như thế, sao không thuê một nơi rộng rãi hơn như sân vận động của xã để các ca sĩ đó biểu diễn? (GS.TS Trần Ngọc Thêm)

Mượn danh nghĩa để khuếch trương tên tuổi!
 
Chuyện đám cưới gây xôn xao dư luận ở Hà Tĩnh: Phải mua đất để làm mặt bằng tổ chức đám cưới, số lượng khách mời hàng ngàn người; kinh phí tổ chức lên 50 tỉ đồng… cho thấy đây là một đám cưới xa xỉ bậc nhất Việt Nam từ trước đến nay.
 
Nói mục đích tổ chức đám cưới siêu xa xỉ này là nhằm phục vụ bà con nghèo ở vùng núi vì họ không có điều kiện để gặp, nghe tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu Việt Nam… tôi cho rằng đó là ngụy biện. Ở đây có sự đánh tráo khái niệm, núp dưới chiêu bài phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí của bà con để đánh bóng, khuếch trương tên tuổi.
 
Nữ thương gia quyết tâm tổ chức đám cưới con trai tại quê nhà để phục vụ bà con ??

Còn nếu vì mục đích muốn mang lại hạnh phúc cho con cái thì từ xưa tới nay các cặp vợ chồng cưới xin đơn giản nhưng tâm đầu ý hợp vẫn hoàn toàn có thể hạnh phúc mà không cần đến những thứ phô trương như thế.
 
Cái sự thích phô trương hiện nay không còn hiếm hoi mà xuất hiện nhiều ở một bộ phận người giàu, mới có tiền mà người ta gọi là những người “mới nỏi” (không phải mới nổi) để chỉ về những người mới có tiền và thích khoe khoang, phô trương tài sản một cách lố bịch. Tầng lớp “mới nỏi” này sinh ra từ thời buổi kinh tế thị trường và ngày càng đang có nhiều hành động chướng tai gai mắt.
 
Việc báo chí đưa tin theo kiểu tung hê những đám cưới rình rang theo tôi là không nên. Một nền báo chí cách mạng với tính khuynh hướng, mục đích rõ ràng như báo chí Việt Nam cần phải có bình luận để định hướng dư luận. (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)

Trái – Ngược

" Tôi chỉ mong bằng khả năng của mình có thể lo cho các con và đối đãi tốt nhất với bạn bè và mọi người xung quanh. Tôi dành tặng cho con một đám cưới đủ trong điều kiện của mình.
 
Tôi được biết đông đảo bà con nhân dân tại đây rất yêu mến và mong được gặp các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quang Lê… vì thế tôi đã cố gắng liên hệ mời họ về để bà con có dịp nghe họ hát. Bản thân tôi cũng đi lên từ những ngày gian khó và trong cuộc sống từ xưa đến nay, tôi chưa lúc nào quên vẫn còn nhiều hoàn cảnh thiếu may mắn đang sống vất vả, không chỉ tại miền Trung mà còn ở rất nhiều nơi trên đất nước ". (Bà NGUYỄN THỊ LIỄU - Mẹ chú rể trong đám cưới ở Hương Sơn, Hà Tĩnh)
 
" Tôi muốn khẳng định với mọi người là cá nhân không nợ nần ai vì nếu có thì đã bị chủ nợ chặn đường đòi cho mất mặt giữa bà con hai họ chớ không phải muốn “chơi trội” ". (Bà Phạm Thị DIỆU HIỀN, mẹ chú rể của đám cưới ở Cần Thơ giải thích lý do cho đoàn xe siêu sang chạy như diễu hành khắp Cần Thơ)
 
" Tôi khẳng định tôi không có quan hệ gì với bà Hiền, tôi cũng không biết bà Hiền là ai cả. Bà Hiền với tôi chưa gặp mặt bao giờ, cũng chưa bao giờ là bạn bè. Nếu là bạn bè tôi hỏi mượn vì mục đích kinh doanh, mục đích vì công việc thì tôi sẵn sàng. Nhưng nếu mượn máy bay để phục vụ đám cưới, đi rước dâu thì không bao giờ.
 
Máy bay tôi mua về không phải để phục vụ đám cưới. Dù có là bạn thân, tôi cũng không đồng ý vì nếu làm như vậy thì nó phải được liệt vào hàng bất bình thường chứ không phải là “chơi sang” ". (Ông ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC trả lời về việc bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) nói: Nếu bầu Đức hôm đó không bận, chắc chắn đã cho mượn máy bay để rước dâu)