Chung cư "bốc mùi" mắm tôm cả tuần không hết

Chuyện căn hộ chung cư bị biến thành... tiệm tạp hóa diễn ra nhiều năm nay, nhất là ở những chung cư giá rẻ. Do sức ép về kinh tế, mưu sinh nên cư dân đã tận dụng chính căn hộ của mình để biến thành nơi bán hàng, kiếm thêm thu nhập. Các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân trong tòa nhà. Việc biến các căn hộ chung cư thành nơi buôn bán ngày càng nở rộ, bởi tiết kiệm được tiền mặt bằng, lại luôn có đối tượng khách hàng "tiềm năng" là hàng xóm láng giềng.

nhếch nhác chung cư
Một căn hộ chung cư biến thành tiệm tạp hoá, tận dụng không gian hành lang và cả... lối thoát hiểm.
Khảo sát một chung cư tại Thanh Trì (Hà Nội) cho thấy, gần như tầng nào cũng có 2-3 hộ gia đình mở quán, bán hàng. Thậm chí có những tầng có thể ví như một cái... chợ thu nhỏ khi cung cấp khá đa dạng các mặt hàng và dịch vụ, từ tiệm làm tóc, tiệm tạp hóa, giặt là, trông giữ trẻ và cả hàng rau dưa, thịt cá...

Nếu như những căn hộ được tận dụng làm tiệm cắt tóc – gội đầu thì mùi dầu gội, mùi thuốc ép – nhuộm luôn khiến những căn hộ xung quanh ám ảnh, thì hàng xóm sống cạnh những gia đình bán mắm tôm hay thịt cá phải chấp nhập cảnh đóng cửa, bịt mũi sống chung với mùi mắm hay mùi cá ươn.

nhếch nhác chung cư
Một số gia đình lại trưng bày hàng hóa trước cửa nhà mình khiến quang cảnh hành lang một số chung cư khá nhếch nhác.

Chia sẻ về điều này, anh Hùng – sống tại một căn hộ cho biết: “Cách đây chưa lâu, tiệm tạp hóa cạnh nhà tôi khi vừa nhận hàng từ quê gửi lên. Không hiểu lúc bê lên thế nào mà đến cửa lại làm rơi can mắm tôm "gia truyền" cả chục lít khiến toàn bộ số mắm trên chảy tràn lan ra sảnh trước cửa nhà. Thế là suốt 1 tuần trời cả tầng phải hứng chịu mùi khó chịu "không thể tả" ấy”.

nhếch nhác chung cư
Nhiều loại đặc sản được cư dân vận chuyển lên chung cư bán.

“Người lớn cứ đi qua đó là bịt mũi chạy gấp còn trẻ nhỏ thì sợ hãi ra mặt. Nhiều người cũng đã từng góp ý là nên rửa sạch, lau bằng nước lau sàn hàng ngày nhưng mãi gần 1 tuần mới hết được, nhưng khi nào thoảng gió mùi ấy lại ám ảnh”, chị Hương, một hàng xóm cho biết thêm.

Ngoài chuyện "can mắm tôm bị đổ", nhiều tiệm cắt tóc gội đầu cũng mang không ít phiền toái cho cư dân bởi mùi thuốc nhuộm – ép tóc luôn phảng phất khắp các tầng lầu.

nhếch nhác chung cư
Một tiệm làm tóc tại tầng 38.

Còn đối với những gia đình tận dụng căn hộ bán hải sản lại luôn có mùi tanh nồng khó chịu mặc dù tất cả các loại hải sản đều được gia đình đưa vào tủ lạnh. Do buôn bán lâu ngày, mùi tanh của cá, mực, tôm khô lại "phảng phất" trong không khí ngày này qua tháng khác nên hàng xóm cứ phải bịt mũi chịu đựng.

Trao đổi với chúng tôi, bác Thái - một cư dân bức xúc: "Chung cư là nơi cộng đồng chung sống, thế nhưng ý thức của nhiều người không được tốt, đặc biệt những gia đình làm dịch vụ như: tiệm tạp hóa, bán dưa cà, làm tóc... Họ xả ra mùi hôi bốc lên phảng phất khắp nơi khiến người dân nhất là trẻ nhỏ khó chịu. Chúng tôi có nhắc nhở nhưng vẫn đâu vào đó".

Bi hài chuyện chợ búa trong chung cư

Có mặt tại một tiệm tạp hoá "giữa lưng chừng trời" thuộc một khu đô thị tại Linh Đàm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi ở đây có đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu hệt như các tiệm tạp hóa dưới mặt đất. Cuối giờ chiều là thời điểm hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhất. Người mua cũng chính là những cư dân sinh sống tại các tầng lân cận. Người thì mua bốn năm nghìn cà muối, người mua bát dưa chua, người mua gói bột nêm hoặc gói bim bim cho trẻ nhỏ...

Trao đổi với chúng tôi, chị Phương Hà, chủ tiệm tạp hóa cho biết: “Tận dụng thời gian ở cữ nên mình bán mấy thứ lặt vặt cho vui lại vừa kiếm thêm thu nhập, với lại cũng phục vụ nhu cầu người dân sống xung quanh".

nhếch nhác chung cư
Một tiệm may, sửa quần áo tại chung cư.

Theo chị Hà thì hàng ngày chị nhờ mẹ chồng đi chợ mua dưa, cà ở chợ về rồi tự tay muối, những mặt hàng khác thì chị nhờ chồng mua sỉ ở một số đại lý, mỗi lần lấy hàng chỉ trên dưới 1 triệu đồng vì có lấy nhiều cũng không có chỗ bày biện.

bán hàng ở chung cư
Một cư dân đăng lên nhóm kín của chung cư Ecohome 1 quảng cáo tiệm làm tóc của mình trên tầng 4.

Không chỉ riêng chị Hà, chị Mai Anh tại một tầng khác cũng mang đặc sản quê lên bán cho cư dân tại đây, chị cho biết: “Nhà mình ở Thanh Hóa, hàng ngày mình nhờ người thân ở quê lấy hải sản, nem chua, mắm tôm lên để bán. Tất cả đều là hải sản ngon được đánh bắt trong ngày nên khá yên tâm về chất lượng”.

Không chỉ có hải sản, dưa cà mắm muối, nhiều người còn sử dụng phòng khách của gia đình để kinh doanh các dịch vụ làm móng, cắt tóc, gội đầu. Thậm chí ở chung cư Ecohome 1 (Bắc Từ Liêm) còn có gia đình mở cả tiệm sửa chữa điện dân dụng tại gia.

Đáng nói là do các căn hộ chung cư thường nằm san sát nhau, hành lang đi lại cũng hạn chế, nên việc buôn bán nhộn nhịp cũng gây ra những bất tiện cho cư dân khi không gian chung được các "hộ kinh doanh" tận dụng triệt để.

Những gia đình tận dụng căn hộ buôn bán còn khiến hàng xóm ức chế khi thản nhiên tận dụng không gian chung cư làm nơi dán tờ rơi, tờ quảng cáo, từ sảnh chờ thang máy đến hầm để xe, ở cầu thang bộ và trước căn hộ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một căn hộ chung cư thở dài: "Nhà người ta, người ta muốn làm gì thì mình cũng khó ý kiến. Thế nhưng, sống ngay sát nhà gội đầu đúng là cực hình. Không chỉ mùi hóa chất nồng nặc, chuyện giữa trưa khách hàng đập cửa uỳnh uỳnh, khiến cả nhà tôi mất ngủ là thường xuyên. Nhiều lúc thấy ức chế đến độ muốn bán nhà đi tìm chỗ khác yên tĩnh hơn".

Trao đổi với chúng tôi, anh Văn Trọng – một bảo vệ điều hành chung cư ở quận Thanh Xuân cho biết: “Tình trạng nhà dân biến thành "tạp hóa" xuất hiện ở 2 tòa chung cư một vài năm nay. Chúng tôi đã tiến hành nhắc nhở đối với những căn hộ bày biện ra ngoài hành lang, đối với những gia đình dán tờ rơi, quảng cáo thì tiến hành cảnh cáo, bóc hết những tờ rơi, rao vặt làm ảnh hưởng đến mỹ quan của chung cư”.

“Riêng đối với những trường hợp cư dân bán hàng hay làm dịch vụ tại chính căn hộ của mình, chúng tôi đã có lần báo cáo lên ban quản lý. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng những chủ căn hộ ấy có quyền sử dụng căn hộ, chúng tôi không có quyền can thiệp”, anh Trọng nói thêm.

Chuyện chưa biết về những nỗi khổ khi ở chung cư

Cháy nổ, mất nước sạch, thang máy hỏng, quá tải thang máy, quá tải hầm để xe, ý thức kém… đó là những tình trạng mà hàng chục nghìn người dân Thủ đô đang phải gánh chịu khi ở những khu chung cư giá rẻ, chất lượng kém trong thời gian qua. Đặc biệt sau vụ hỏa hoạn tại khu chung cư HH4 Linh Đàm và gần đây là CT4 Xa La lại càng làm dấy lên những nỗi lo lắng khôn xiết khi đang sống trong những căn hộ chưa thực sự đảm bảo an toàn và chưa đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Một căn hộ dù nhỏ bé, dù chật chội nhưng dù sao đó cũng là một tổ ấm để các gia đình trẻ ở khắp các miền quê yên tâm mưu sinh, bám trụ ở mảnh đất Thủ đô. Để sở hữu những căn hộ ấy không ít gia đình đã phải lao động biết bao năm trời, vay mượn khắp nơi, phải mua theo hình thức trả góp từ tiền của ngân hàng… Thế nhưng chất lượng chung cư vẫn còn là một dấu chấm hỏi, và cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũng phải đối mặt với muôn vàn nỗi khổ mà không biết kêu ai...