Giữa năm 2015, một công ty đa cấp mở chi nhánh tại Long Biên đã thu hút sự tham gia của hàng trăm khách hàng, chủ yếu là người già. Công ty này giới thiệu về sản phẩm dưỡng sinh có công dụng thần dược, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường nên huy động người dân góp vốn kinh doanh.
"Bảo ký thì tôi ký"
Nhiều người dân quận Long Biên có nguy cơ mất nhà chỉ vì tin vào đa cấp
Để dụ các nạn nhân bỏ thêm tiền mua "mã" đầu tư vào đa cấp, các đối tượng đã móc nối cho người dân đi vay tiền với lời hứa lãi suất thấp, chỉ cần làm một hợp đồng thế chấp nhà, trong đó có điều khoản ghi rõ về việc tạm thời chuyển nhượng nhà.
Sau khi làm xong các thủ tục vay ngân hàng, các đối tượng chỉ đưa lại cho nạn nhân một bản cam kết có dấu đỏ, ghi rõ thời hạn chuyển nhượng đất chỉ có kỳ hạn từ 3-5 năm, phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn.
Bị mụ mẫm bởi các lời mời chào và có nhu cầu dùng vốn gấp, các nạn nhân này sẵn sàng thế chấp tài sản để vay tiền của các công ty bên ngoài với lời giới thiệu lãi suất thấp, chỉ khoảng 7%/năm.
Không hiểu biết pháp luật, hầu hết các nạn nhân đều ký vào hợp đồng chuyển nhượng mà không đọc kĩ các nội dung ghi bên trong, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng nhà cho các đối tượng. Sau đó, các đối tượng cho vay nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đi vay tiền ngân hàng, trước khi các nạn nhân phát hiện.
Phản ánh với báo chí, gần 50 hộ dân (chủ yếu là những người lớn tuổi) sinh sống trên địa bàn quận Long Biên cho biết, nhiều năm nay họ đang phải sống trong sự bất an vì ngôi nhà của mình nhưng đã bị người khác đứng tên, ngân hàng đã nhiều lần thông báo thu hồi.
Cuộc sống của những hộ gia đình này hiện nay rất bất an, con cái chia lìa cha mẹ cũng chỉ vì "nói các cụ không nghe".
Nhà 7 tỷ thế chấp lấy 600 triệu góp vốn cho công ty đa cấp
Bà Nguyễn Thị Bắc (68 tuổi, trú tại phường Thượng Thanh) là một trong số nhiều người đã ký kết hợp đồng thế chấp ngôi nhà trị giá 7 tỷ của mình cho Công ty TNHH Đầu tư thương mại & Dịch vụ TDH (Công ty TDH), người đại diện là ông Trương Phi Cường chỉ để lấy 600 triệu đồng.
Cầm một xấp đơn thư trên tay, bà Bắc nghẹn ngào, nhiều năm nay bà cùng các hộ dân gửi đi các cấp nhưng chưa thể có cách giải quyết.
"Do không hiểu biết pháp luật, chỉ vì lòng tham mà giờ tôi khiến các con các cháu mình có nhà cũng như không có. Chồng tôi do bức xúc trước sự việc nên đổ bệnh phải nhập viện. Sau khi ra viện thì lại tiếp tục phát bệnh tâm thần. Trong khi đó, Ngân hàng thì vẫn gửi thông báo yêu cầu thu nhà với tiền lãi ngày một tăng", bà Bắc nói.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ như ngồi trên lửa khi ngôi nhà mặt đường số 389 Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, quận Long Biên), nơi bà và các con sinh sống lại bị chuyển nhượng.
Bà Tỵ cho biết, ngôi nhà này của bà có trị giá khoảng 7 tỷ đồng nhưng lại bị chuyển nhượng đi vì 1 tỷ tiền vay của ông Cường bằng cách thức y hệt.
Nhiều năm trôi qua, bà Tỵ cũng liên tục nhận được các giấy yêu cầu thu hồi tài sản của ngân hàng mặc dù trong suốt quá trình vay tiền, bà không thấy có bóng dáng của một nhân viên ngân hàng nào.
"Tôi già rồi nên mắt mũi kém, lại không có hiểu biết nên mới bị họ lừa. Giờ thì còn bị các con trách móc, bảo mẹ dồn bọn con vào đường cùng. Tôi hối hận lắm vì các con đã ngăn cản mà không nghe. Các con luôn trách mẹ làm thế nầy là giết các con", bà Tỵ uất ức.
Hàng chục hộ dân đứng trước nguy cơ mất nhà
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài trường hợp của bà Bắc, bà Tỵ tại khu vực phường Thượng Thanh và khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn còn hàng chục hộ gia đình đang đứng trước nguy cơ mất nhà, với cùng một thủ đoạn cho vay tiền "tạm thời thế chấp".
Chỉ riêng trong lá đơn tố cáo và kêu cứu tập thể mà bà Bắc đã gửi đến các cơ quan chức năng, đã có tới 26 người là nạn nhân của các đối tượng khác nhau nhưng chung một hình thức lừa đảo. Nạn nhân lớn tuổi nhất ký trong đơn hiện nay đã ngoài 80 tuổi.
Ngoài ra, bà Bắc cho biết vẫn còn nhiều nạn nhân khác bị lừa vay tiền thế chấp dẫn đến mất nhà tại các khu vực lân cận, số lượng không dưới 50 hộ gia đình.
Bày tỏ mong muốn của mình và cũng là của các nạn nhân trong vụ việc, bà Nguyễn Thị Bắc cho biết: "Nhiều người trong số chúng tôi đã lớn tuổi, họ đã phải viết giấy ủy quyền, di chúc sẵn để lỡ có mất đi, con cháu còn tiếp tục đấu tranh để đòi lại nhà. Vì vậy chúng tôi mong cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc điều tra sự việc, giúp cho người dân nơi đây không bị mất nhà một cách vô lý".
Luật sư Phạm Thế Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, công ty đứng ra cho người dân vay tiền phải có mối quan hệ với ngân hàng, người ta vay mượn đều trên giấy tờ, không đến thẩm định. Nếu họ đến thẩm định thì người dân đâu thể mất cửa.
Trong vụ việc này, các tổ chức công chứng nếu không cẩn thận cũng trở thành những đồng phạm nếu trong vụ án hình sự.
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty luật Basico) các hợp đồng người dân đã ký vụ việc này này thể hiện rõ sự giả tạo, người dân bị lừa, nhầm lẫn bởi những thủ đoạn gian dối. Việc này cần phải báo cho cơ quan chức năng để xem xét về hành vi lừa đảo, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.
Liên quan đến đơn thư của các hộ dân, ngày 26/8/2018, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội về việc nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Bắc. Địa chỉ: số nhà 5, tổ 22, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Về việc, bà Bắc tố cáo ông Hoàng Văn Phương, trú tại: thôn Cửu Việt 1, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lân, TP. Hà Nội, ông Trương Phi Cường, trú tại: số 65, ngõ 2 Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội và một số cá nhân khác có hành vi chiếm đoạt tài sản của gia đình bà thông qua ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại tổ 22, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội đem thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Agribank, Chi nhánh Tràng An; đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.