Khi cộng đồng mạng chưa kịp hết sốc với bài học minh họa lòng dũng cảm cho trẻ lớp 1 bằng cách... đi trên thủy tinh thì ít giờ trước, những hình ảnh “thực hành” lại bài học dũng cảm trên được đăng tải trên một fanpage lại càng gây hoang mang. Bởi trước đó, một số người còn hoài nghi, cho rằng dẫm chân lên thủy tinh chỉ là một ẩn dụ cho lòng dũng cảm, dám vượt qua nỗi sợ của bản thân.

Theo đó, hình ảnh mới được chia sẻ ghi lại cảnh giờ học ngoại khóa, thực hành kỹ năng mềm của những học sinh của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội được một Trung tâm giáo dục phối hợp với nhà trường tổ chức (trong đó có màn hướng dẫn đi qua thảm thủy tinh). 

kỹ năng mềm
Những hình ảnh học sinh bước chân trần lên mảnh thủy tinh được một giáo viên chia sẻ.

Ngay lập tức, rất nhiều người chỉ trích phương pháp giáo dục kỹ năng mềm này, bởi lẽ họ cho rằng, dạy trẻ em như vậy hết sức nguy hiểm, khả năng chấn thương rất cao, chưa kể là có thể nuôi dưỡng ảo tưởng về sức mạnh bản thân trong các học sinh. 

Nick Lại Tuấn Hoàng phê phán: “Chả hiểu mềm chỗ nào! Sao không dạy các em khi có thủy tinh rơi dưới đất phải đi dép, quét nhà, hót rác, đổ đi mà dạy dũng cảm dẫm vô? Đây đâu phải kĩ năng mềm! Cái này bảo là dũng cảm cho vui thì đúng chứ kĩ năng mềm thì chắc là không”. Một người dùng mạng khác cũng lên tiếng: “Trước trẻ con được dạy mang dép, đi chậm, chú ý kẻo đạp thuỷ tinh vỡ, giờ lại bắt đi lên thuỷ tinh vỡ? Thực sự thiếu gì cách để thể hiện sự dũng cảm nhỉ, sao lại chọn cách này?”.

Bàn về sự dũng cảm, Facebooker Hoàng Linh Chi lên tiếng: “Dạy các con hãy dũng cảm trước những nguy hiểm chứ không phải dạy các con bất kì nguy hiểm nào đối mặt cũng sẽ thành công”; hay Facebooker Trọng Trần hài hước bình luận: “Nhớ dặn tụi trẻ, không chúng nó nghĩ là chúng nó là siêu nhân. Đầu óc chúng nó còn non, dễ tin vào siêu năng lực lắm. Gặp cốc chai vỡ ở nhà lại không thèm tránh, cứ thế đi băng băng thì mệt”.

kỹ năng mềm
Các học sinh được hướng dẫn "vượt qua sợ hãi".

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người bênh vực cách dạy kỹ năng sống đặc biệt này. Nick Đức NT bày tỏ quan điểm: “Cái người ta dạy không phải chỉ là đi qua thủy tinh bằng mấy trò sắp đặt mà là khám phá “cảm xạ” tiềm ẩn trong mỗi người, vượt qua những thử thách mà bản thân họ cảm thấy không tưởng (đi qua thủy tinh, than hồng, hút dính các vật nặng vào cơ thể....) là giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi và sự khó khăn nhìn thấy được, giúp cải thiện cái cách mà bản thân họ cảm nhận về sự việc trong cuộc sống, tăng khả năng quyết đoán, giải toả âu lo và còn nhiều tác dụng khác mà chính cả những giáo sư cảm xạ học cũng chưa khám phá được hết. Chứ còn cái trò đi qua thủy tinh này, người ta khẳng định 100% mọi người có thể đi được”.

kỹ năng mềm
Nhiều người khẳng định, ai cũng có thể thử trò này an toàn, chỉ cần tự tin.

Thành viên Trí Tài Đào cũng chia sẻ suy nghĩ: “Cái này đúng, nhưng vì xài thủy tinh nên nhiều người sợ. Mô hình này có bên Singapore nhưng dẫm lên hoa hồng có gai. Các cháu vượt qua nỗi sợ hãi và thõa mãn là cảm xúc tốt. Sự thật khi các bạn lớn lên, điều tuyệt vời nhất là làm được những cái người khác nói bạn không thể làm được. Đúng chứ?”.

Nhiều người cũng khẳng định, mình đã từng thử nghiệm qua bài học kỹ năng mềm “khủng khiếp” này và hoàn toàn bình an, như nick Nguyễn Hữu Trường chia sẻ: “Mình đi một lần rồi. Hồi cuối năm lớp 12 trường tổ chức nói chuyện về kỹ năng mềm, cả trường mình lên dẫm thử luôn. Chả ai làm sao cả, chẳng có cảm giác đau luôn”.

kỹ năng mềm
Những học sinh được hướng dẫn để không bị thương khi thực hiện trò mạo hiểm.

kỹ năng mềm
Đi qua thủy tinh là cách khám phá sự tự tin và sức mạnh tiềm ẩn?

Sau khi những hình ảnh và câu chuyện dẫm lên thủy tinh thử lòng dũng cảm này này “nổi tiếng” trên mạng, dân mạng cũng sục sạo tìm Facebook cá nhân của cô giáo đã chia sẻ những hình ảnh nói trên. Sau một thời gian ngắn, tại trang cá nhân, cô giáo này đã gỡ bỏ toàn bộ những hình ảnh gây sốc trên, chỉ để lại những hình ảnh và lời chia sẻ khác được chụp trong buổi ngoại khóa.