Trước đây, chị em thường bị hoa mắt trước những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Mac, Clinique, TFS… được bày bán ở những khu chợ đêm với giá chỉ từ 10.000 đồng. Nhưng trước những lời cảnh báo trên truyền thông khi sử dụng loại mỹ phẩm này, chị em đã có cái nhìn khác và cẩn thận lựa chọn hơn. Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý của chị em thích hàng hiệu, hàng chiết xuất thiên nhiên nhưng giá không quá đắt, nhiều người bán mỹ phẩm hám lời đã nhập những loại kem bôi, kem trộn không rõ nguồn gốc rồi "thay tên đổi họ" dán mác "mỹ phẩm xách tay", "kem trộn gia truyền" để bán cho khách hàng.

Chỉ cần gõ những cụm từ "kem trộn trắng da", "mỹ phẩm xách tay" trên google, ai cũng có thể tìm kiếm được hàng trăm topic chào bán sản phẩm với nhiều mức giá khác xa nhau, từ rẻ đến đắt. Đặc điểm chung của những loại kem trộn là đều có màu vàng, sền sệt, mùi hắc, được đựng trong những hộp nhỏ có trọng lượng từ 20g đến 100g. Hộp đựng kem đều là loại hộp nhựa gia công giá rẻ, không có nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất lẫn hạn sử dụng. Về công dụng, đọc qua người tiêu dùng nào cũng có thể hài lòng khi chỉ cần bôi "cấp tốc" khoảng… 2 ngày là đã có ngay làn da trắng như người mẫu.

Để chứng minh và chiếm được lòng tin của người mua, người bán hàng trên mạng còn đăng tải những phản hồi, hình ảnh của khách hàng khen ngợi khi đã từng dùng sản phẩm. 

Khổ sở vì mỹ phẩm dán nhãn "hàng xách tay, gia truyền chính gốc" 1

Khổ sở vì mỹ phẩm dán nhãn "hàng xách tay, gia truyền chính gốc" 2
Nhiều shop online bán mỹ phẩm "gia truyền" mọc lên như nấm.

Mấy năm trở lại đây, rất nhiều shop online ăn nên làm ra với sản phẩm trắng da "cấp tốc, bí quyết gia truyền, tuyệt đối thiên nhiên". Thế nhưng gia truyền như thế nào chưa ai biết, thiên nhiên ra sao chưa ai hay chỉ biết là xung quanh đó tồn tại biết bao câu chuyện thích làm đẹp nhưng "phải thật rẻ", nhiều chị em "đặt cược" khuôn mặt của mình cho người bán. Chỉ đến khi những cơ sở này bị lôi ra ánh sáng, có người "tố" thì người tiêu dùng mới bàng hoàng về tác dụng thực sự của mỹ phẩm mình từng dùng.

Gần đây nhất là vụ lùm xùm xung quanh một shop online chuyên bán kem tắm trắng muối biển tên là Jenny T ở thành phố HCM, shop bán hàng khá nổi này đã bị một khách hàng tên T.K phản ánh. T.K cho biết, ngay sau khi dùng mỹ phẩm của shop thì mặt chị bị nổi mụn li ti và mụn bọc lớn. Khi phản ánh lại với chủ shop, T.K vô cùng bức xúc trước thái độ dửng dưng không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với khách hàng. 

Đảo qua 1 vòng mạng xã hội, có rất nhiều người kinh doanh mỹ phẩm gia truyền. Thị trường bán kem trắng da như thế này rất lộn xộn, những hộp kem làm trắng da gia truyền có giá từ 50.000 đồng tới 500.000 đồng, serum trắng da 400.000 đồng/50ml. 

Loại mỹ phẩm dưỡng trắng da "nhiều không" - không bao bì nhãn mác, không thành phần, không nguồn gốc rõ ràng dưới nhiều cái tên như kem trộn, kem cốt, kem trắng da siêu tốc gia truyền với công thức được quảng cáo là bằng ốc sên, linh chi, nhau thai cừu... được nhiều chị em văn phòng ưa thích. Có hàng trăm loại kem, thuốc trắng da từ dạng khô, dạng keo cho đến dạng lỏng...

Bạn Ngọc Thúy (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm đau thương của mình về việc làm đẹp bằng mỹ phẩm giá rẻ. Cũng giống như nhiều chị em phụ nữ, Thúy rất thích làm đẹp. Tuy nhiên thay vì mua mỹ phẩm ở những cửa hàng uy tín, cô lại chọn sản phẩm được rao bán trên facebook có giá bằng 1/2 so với cửa hàng. Sau khi sử dụng không lâu, mặt Thúy bị nổi mụn, đỏ bừng, lỗ chân lông nở to, sắc tố da thay đổi, chỗ trắng, chỗ đậm màu. 

Khổ sở vì mỹ phẩm dán nhãn "hàng xách tay, gia truyền chính gốc" 3
Khuôn mặt đầy mẩn đỏ sau khi sử dụng mỹ phẩm "gia truyền chính hãng".

Khác với Thúy, chị Tú Như (Nguyễn Trãi, Hà Nội) sử dụng kem gia truyền mua tại 1 shop online nhỏ trên phố Lương Đình Của thời gian đầu cảm thấy rất hợp. "Da mặt tôi sáng lên trông rõ từng ngày. Ai gặp cũng khen da đẹp như da em bé", chị kể. Chính vì thế chị Như quyết định gắn bó lâu dài với loại kem "nhiều không" này. 

Thế nhưng sau 1 tháng, chị thấy da mặt nổi rõ gân xanh cùng nhiều nốt đỏ li ti, mẩn đỏ. Phải đến khi đi bệnh viện khám, chị mới hay da bị nhiễm độc vì sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid gây teo da. Sau đó, dù đã tốn rất nhiều tiền điều trị, da mặt chị Như giờ vẫn đen xạm, không còn tự nhiên như trước.

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: tiền mất tật mang

Bác sĩ Lê Quang Lộc (bác sĩ Da liễu của Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội) chia sẻ: không ít chị em vì thiếu hiểu biết, ham rẻ đã mua phải mỹ phẩm rởm mà không hay. Những loại kem có tác dụng da trắng nhanh (mỹ phẩm xách tay hay kem trộn tự chế) đều chứa lượng thủy ngân lớn và corticoid - chất làm làm trắng da, mỏng da, làm thay đổi sắc tố trên da. Đúng là khi dùng, người sử dụng sẽ thấy ngay sự khác biệt trên da: mịn màng, trắng trẻo hơn nhưng chỉ sau một thời gian, da mặt sẽ bị biến chứng bỏng da, loét, sẹo, mụn, dị ứng, nhăn da, rạn da, giãn mạch máu, chảy nước trên da, viêm da dị ứng, nặng thì có thể dẫn tới ung thư da... Những sản phẩm trắng da rẻ tiền này chính là 1 hình thức dùng hóa chất để lột da. Nguy hại hơn, những vùng da đang tổn thương này khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến nguy cơ mắc thêm các bệnh về da khác.