Việc vi phạm tác quyền tác phẩm “Ba tôi” có phần phức tạp hơn khi phía bà Thanh Hương (Giám đốc Công ty CP TT Sunrise) đưa ra thông tin có cuộc thi “Quà tặng cuộc sống” vào năm 2010. Ban giám khảo cuộc thi bao gồm tiến sĩ Đoàn Hương, ông Đỗ Văn Hồng và ông Nguyễn Nhân Lập. Và "Ba Tôi" là một tác phẩm của tác giả Trần Quốc Tuấn gửi tới để dự thi.
Tuy nhiên, tác phẩm “Ba tôi” này “đặc biệt” ở chỗ không được giải, cũng như không nằm trong cuốn sách bao gồm trên 140 tác phẩm dự thi đang được in và sẽ ra mắt công chúng vào thời gian tới. (!?)
Vậy thì, câu hỏi đặt ra ở đây với ê kíp nói chung làm phim “Ba tôi”đã được phát chiếu ngày 25.6.2015 là: Đạo diễn Đinh Hường đã cảm nhận thế nào về tác phẩm, đưa một tác phẩm đã bị loại trong cuộc thi mang tên chương trình để dựng thành phim? Đạo diễn Đinh Hường tiếp nhận tác phẩm “Ba tôi”này trong hoàn cảnh nào? Anh Trần Quốc Tuấn có biết, hay có cho phép tác phẩm của mình được dựng thành phim không? Bởi vì theo như bản phim “Ba tôi” đã phát sóng, không hề có mục ghi rõ credit Trần Quốc Tuấn.
Bên cạnh đó, tại thời điểm này phía Sunrise cũng chưa cung cấp được thông tin một cách công khai về nhân thân tác giả Trần Quốc Tuấn với phía báo chí, truyền thông.
Báo chí chỉ có thể tiếp cận hình ảnh văn bản viết tay ngày 2.7.2015 của anh Trần Quốc Tuấn (không rõ địa chỉ, quê quán, nơi công tác, số điện thoại, email cá nhân) khẳng định tác phẩm “Ba tôi” mà anh tham gia dự thi cuối năm 2010 là “Bài dự thi không phải là đối tượng tranh chấp quyền sở hữu tác giả”.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng,công ty Luật BKL Việt Nam thì theo điều 6.1 Luật Sở hữu Trí tuệ, Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Trong câu chuyện này, tác giả Thăng Fly và tác giả Tuấn do Sunrise đưa ra đều không thể hiện là đã đăng ký tác phẩm, vì vậy để xác định được ai thực sự là tác giả thì cần căn cứ vào chứng cứ do các bên cung cấp để chưng minh thời điểm sáng tạo của tác phẩm. Về phía tác giả Thăng Fly thì đã hiện diện và cung cấp những bằng chứng về sáng tạo của mình còn phía tác giả Tuấn thì mới chỉ là những thông tin do Sunrise đưa ra, chưa có bằng chứng xác thực. Vì vậy, sự hợp tác của Sunrise để xác định được tác giả Tuấn là có thực và để cung cấp được các bằng chứng về sự sáng tạo tác phẩm của tác giả Tuấn là hết sức cần thiết.
Ở đây nếu thực sự Thăng Fly là tác giả của Ba tôi thì việc sử dụng tác phẩm này để làm phim mà không có sự đồng ý của tác giả rõ ràng là vi phạm quyền tác giả. Tác giả Thăng Fly có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ mà Luật cho phép. Trước tiên là yêu cầu đến Sunrise làm rõ về việc vi phạm, nếu phía Sunrise bất hợp tác tiếp tục vi phạm thì có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thanh tra văn hóa tham gia, đồng thời có thể khởi kiện ra tòa án buộc chấm dứt vi phạm và bồi thường thiệt hai
Bản cam đoan viết tay của tác giả Trần Quốc Tuấn nhưng những thông tin cá nhân như quê quán, năm sinh, CMND...hoàn toàn không có
Cũng theo luật sư Anh Dũng dù chưa tìm được thông tin có thật về tác giả Trần Quốc Tuấn, thì phía họa sĩ Thăng Fly phải chứng minh được mình chính là tác giả của truyện tranh “Ba tôi”. Và có như vậy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ, Thăng có quyền “Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”. Và Sunrise có thể bị xử phạt hoặc bị khởi kiện ra Tòa án, buộc bồi thường theo quy định của Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ (Khoản 1 Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.”)
Cùng đó, nếu Công ty Sunrise sử dụng truyện ngắn/ truyện tranh để chuyển thể thành kịch bản phim “Ba tôi”, được phát sóng trên chương trình Quà tặng cuộc sống ngày 25.6.2015, chương trình và kịch bản đó được gọi là tác phẩm phái sinh. Và theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.”, Điều 18, 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.” Khoản 2 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Quyền nhân thân là “Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;”
Vì thế, khi làm tác phẩm phái sinh là chương trình “Quà tặng cuộc sống”, những người thực hiện chương trình phải ghi rõ tên tác giả.
Nhưng rất có thể, Thăng Fly đạo tác phẩm Ba tôi của tác giả Trần Quốc Tuấn, thì Công ty Sunrise (trong trường hợp công ty không vi phạm bản quyền) hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật sở hữu trí tuệ.
Cho đến thời điểm này, anh Thăng cũng như đơn vị phát hành sách Skybook cho biết: Họ vẫn chưa nhận được những thông báo của phía công ty Sunrise để giải quyết vấn đề tranh chấp, vi phạm bản quyền.