LTS: Đã có rất nhiều vụ trả thù nhau bằng cách tạt axit. Đó là tội ác khiến nạn nhân đau đớn và gánh chịu hậu quả nặng nề đến hết cuộc đời. Vết thương không bao giờ lành, nỗi đau không bao giờ dứt, sự ám ảnh chẳng thể nào nguôi. Nạn nhân mới đây nhất, cô sinh viên xinh đẹp Thu Hương đang đi học ở Sài Gòn bị biến dạng cả khuôn mặt, nguy cơ mù mắt chỉ vì đi cùng với người bạn mà người ta nhắm để trả thù. Nhưng nạn nhân của tội ác mang tên axit đâu chỉ có Thu Hương, còn nhiều người khác và những câu chuyện khác đau đớn và nhức nhối...
Nhiều người đi đường ngang qua ngã ba đường Trường Chinh - Ấp Bắc (Q.Tân Bình, TP.HCM) đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị Vũ Thị Loan (38 tuổi, quê Hưng Yên,) vá sửa xe vỉa hè. Lạ điều là dù có mái tóc dài, mượt nhưng luôn che gần nửa khuôn mặt hay trời tối khuya, chị vẫn áo dài tay, bịt khăn kín cả mặt. Đằng sau sự trái khoáy ấy là cả một câu chuyện oan nghiệt xảy ra 3 năm trước.
Không hiểu vì sao mình bị tạt axit
Dìu dắt nhau từ miền Bắc vào Sài Gòn mưu sinh với công việc chính là bơm vá, sửa chữa xe trên lề đường Trường Chinh (quận Tân Bình), tưởng chừng gia đình hiền lành, chất phác của chị Loan sẽ có một cuộc sống yên bình. Nhưng một tai hoạ đã ập xuống khiến chị Loan bị axit huỷ hoại cơ thể, phải chịu cảnh đời khốn khổ.
Về nguyên nhân dẫn đến việc bị tạt axit, đến thời điểm này chị Loan vẫn khẳng định không hề có mâu thuẫn với ai. Ngoại trừ lần mâu thuẫn với một người gần điểm trông giữ xe. Trước đó, chị làm nghề giữ và sửa xe ở cạnh chi cục thuế quận Tân Bình và có cãi vã với một nhà cũng làm giữ xe. “Họ hù dọa tôi là có bữa tao tạt axit cho mà coi. Năm ngày sau thì tôi dính ca axit oan nghiệt đó”, chị ngậm ngùi nói.
Trùng hợp hơn nữa là vào lúc chị bị tạt thì có hai người khách 1 nam 1 nữ đi xe máy đến chỗ chị vá xe. “Sau này tìm hiểu tôi mới biết, anh thanh niên tên này đã có vợ nhưng lại có quan hệ với một phụ nữ khác. Theo suy đoán của tôi, có thể tôi đã bị đánh ghen nhầm với cô gái đi cùng anh ta. Vì hôm ấy, tôi vừa đi tiệc về nên ăn có mặc đẹp, lúc vá lại ngồi sát anh ta còn cô kia ngồi cách đó cả hơn mét”, chị Loan nhớ lại.
Sau vụ tạt axit kinh hoàng xảy ra, chị Loan đã làm đơn trình báo đến công an quận Tân Bình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được có được chút manh mối nào về hung thủ. Bản thân chị Loan còn mơ hồ hai nghi vấn trên nên vẫn không hiểu vì sao mình lại bị tạt. Nhưng vì lí do nào đi chăng nữa thì cuộc đời chị từ ngày ấy cũng chuyển sang một trang mới đầy đau đớn.
Dang dở lời hứa “Em sẽ là trụ cột gia đình”
Anh Phạm Quang Tân (45 tuổi, chồng chị Loan) cho biết, khi vợ gặp nạn cả gia đình chỉ có khoảng 800 nghìn đồng trong khi bác sĩ nói phải chuẩn bị cả trăm triệu để điều trị. Cũng nhờ bà con lối xóm gom góp có người ủng hộ cả 40 triệu, họ hàng vay mượn nên chị mới lo được chi phí chữa trị.
Hơn 1 năm trời, chị chỉ nằm nhà, mọi gánh nặng đổ lên đầu chồng và cậu con trai Phạm Quang Tiến (sinh năm 2001). Bản thân anh Tân từ nhỏ vốn bị liệt một tay, bệnh bao tử hoành hành quanh năm nhưng cũng ráng chạy xe ôm, vá xe lo cho gia đình.
Thời gian gần đây, Tiến mới được theo học lại lớp 6 ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngày đi học, từ 3h chiều cậu bé lại đẩy bình bơm hơi, thau nước, dây điện… ra vỉa hè vá xe với cha mẹ. Tối cậu bé về nhà lo cơm nước, thu dọn nhà cửa. “Hôm nào mẹ về sớm thì cả nhà cùng ăn bữa tối lúc 12h đêm rồi em học bài. Chỉ hôm nào thi cử em mới nghỉ làm sớm. Cuối tuần thì xin mẹ đi đá bóng”, cậu bé nói.
Bản thân chị Loan, hơn 1 năm ở nhà điều trị, tinh thần suy sụp rất nhiều. Chị nhớ lại: “Ngày xưa khi tôi lấy anh, gia đình ai cũng phản đối vì anh bị tật. Lúc ấy, tôi nói với anh vững tâm, em sẽ là trụ cột gia đình, nghèo thì sống nghèo miễn ở bên nhau là được”, người phụ nữ tâm sự.
Suốt một thời gian dài chị ngược xuôi gánh vác mọi công việc gia đình. Bây giờ, nghĩ đến số nợ còn treo lơ lửng, cảnh chồng con làm đến quá khuya mà vẫn khó khăn vì phải lo tiền thuốc, người phụ nữ này chỉ biết trách số phận éo le, giận kẻ nhẫn tâm tạt axit.
Những vết thương của chị đã hóa sẹo với thương tật 18%, nhưng cơn đau nhất là ở cổ vẫn không hết, sức khỏe kém hơn nhiều so với trước, tai nghe không rõ và dị dạng suốt đời. Chị phải luôn măc áo dài tay, đeo khẩu trang, để tóc dài cho “người ta nhìn bớt kinh hãi”. Điều mong mỏi của gia đình chị không gì hơn là sớm tìm ra hung thủ. Tuy nhiên, chị đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng mà hung thủ vẫn bặt vô âm tính.