TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết cơ quan này sẽ xác minh thông tin nước lèo hủ tíu gõ được hầm bằng thịt... chuột cống, sau đó thịt chuột cống còn được sử dụng lại làm nhân bánh giò trong bài viết "Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tíu gõ" vừa xuất hiện trên Internet, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận những ngày qua.
- Ông nghĩ gì về thông tin hủ tíu gõ và bánh giò làm từ thịt chuột cống đang được loan truyền trên Internet?
- Ở các nước phát triển, chỉ nguyên liệu được cơ quan chức năng kiểm soát mới được sử dụng làm thực phẩm. Còn tại Việt Nam, việc dùng sản phẩm từ tự nhiên làm thực phẩm đang được thương mại hoá. Ăn uống là quyền riêng tư của cá nhân nên mọi người ăn theo ý thích, ăn theo cảm nhận. Nhiều món ăn được coi là lạ, độc như chuột, rắn, sâu, bao tử các con vật… Những thứ này không được coi là thực phẩm, không được kiểm soát nên dễ có sự cố xảy ra.
- Quy định về an toàn thực phẩm có đề cập đến thịt chuột cống không, thưa ông?
- Chuột cống là động vật chưa được cơ quan chức năng kiểm soát vì không coi đây là thực phẩm, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm. Nếu người dân cố tình sử dụng động vật này là vô trách nhiệm với sức khoẻ bản thân. Người cung cấp những sản phẩm này cũng vô trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh là đã vi phạm luật an toàn thực phẩm, vì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn để chế biến.
- Cục đã từng kiểm tra hủ tíu gõ, bánh giò chưa? Trước sự hoang mang của dư luận đối với thông tin trên, cục sẽ có động thái gì để trấn an?
- Không phải mặt hàng nào cũng kiểm tra được. Khi có thông tin chúng tôi mới tiến hành xác minh và cảnh báo cộng đồng. Cụ thể, cục An toàn thực phẩm sẽ có văn bản thông báo về tình trạng báo chí phản ánh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, không phải lúc nào cũng phát hiện sự gian lận của người kinh doanh. Cục sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị trực thuộc có ý kiến với các địa phương.
- Cũng đã có nhiều ý kiến trên Facebook nghi ngờ thông tin trên là bịa đặt, vô căn cứ khi bài viết không có một hình ảnh, nguồn tin rõ ràng... Theo ông, người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin về thực phẩm chưa rõ thực hư thì nên có thái độ thế nào cho đúng mực?
- Phải có đủ thông tin và cảnh báo trên nền tảng có đủ thông tin chính xác, chứ không sẽ dẫn đến hoang báo (báo điều không có thực).
Người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong việc ăn uống của mình. Ăn uống phải ở nơi có đủ điều kiện vệ sinh. Những nơi quá mất vệ sinh hãy tránh xa. Người tiêu dùng có thể là một giám sát viên: trong quá trình ăn uống, nếu phát hiện nghi vấn có thể báo với cơ quan chức năng. Nhưng đừng hoang báo khi thông tin chưa chính xác, dễ gây hoang mang. Về phía người kinh doanh thực phẩm, hãy bằng lương tâm trách nhiệm mà phục vụ cuộc sống cộng đồng.