Thời gian qua, TikToker Yuki nổi lên trong cộng đồng mạng với những đoạn clip mặc đồ bộ, review chân thật, giản dị về những món đồ hiệu sang chảnh bên gốc dừa ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 - khu đất được mệnh danh là "lãnh địa" của giới siêu giàu. Không những thế, cô còn chia sẻ trải nghiệm sống ở khu nhà giàu Malaysia, trong căn biệt thự liền kề mẹ chồng mua tặng, giá ước chừng 100 tỉ đồng... Nhờ vậy mà nhiều người gọi cô với biệt danh "phú bà quận 7".

Nữ Tiktoker này từng gây chú ý khi chia sẻ chuyện tại sao cô chọn cho con học trường công chứ không phải trường quốc tế.

Xài toàn hàng hiệu xa xỉ, mua bộ ly cả 100 triệu nhưng "phú bà quận 7" vẫn cho con học trường công: Lý do đưa ra quá hợp lý! - Ảnh 1.

Được biết, từ khi con lên cấp 2, cô chuyển con sang học ở trường công lập. Nguyên nhân là vì cô muốn cho con học được lịch sử, văn hóa của dân tộc, nói được thuần thục tiếng mẹ đẻ... Ở trường quốc tế không dạy môn lịch sử Việt Nam, vì thế việc các bé theo học sẽ bị khuyết một phần kiến thức về cội nguồn, gốc gác của bản thân.

Trước đó, khi theo học trường quốc tế, con gái của Yuki bị ảnh hưởng tư tưởng "cá nhân hóa". Nữ Tiktoker ví dụ việc cô vào phòng con để dọn dẹp nhưng đáp lại là lời thắc mắc "tại sao mẹ không xin phép trước khi vào phòng của con".

Ngoài ra, Yuki cho biết thêm, việc chuyển từ trường quốc tế sang trường công cũng là cách để giúp con tự lập, trưởng thành hơn.

Nhiều người đồng tình với ý kiến của bà mẹ này cho rằng, việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng. Không hiếm học sinh trường công đạt được thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế hoặc về điểm SAT, TOEFL, IELTS…, giành được học bổng đi du học, về sau trở thành người thành đạt.

Vậy nên, nếu có điều kiện cho con học trường tư hay quốc tế thì rất tốt, còn không học trường công cũng không sao cả. Chúng ta cần dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình, khoảng cách địa lý, quan điểm giaó dục... để lựa chọn những ngôi trường phù hợp với trẻ. Dù học ở loại trường nào thì vai trò của chính học sinh và của gia đình vẫn là yếu tố quyết định.

Dù vậy, cũng có ý kiến phản biện, nếu có điều kiện thì trường quốc tế vẫn là lựa chọn khác biệt. Phương pháp giáo dục có tính ứng dụng thực tế, luôn chú trọng đến phát triển nhân cách toàn diện, các em không chỉ học các môn văn hóa mà còn rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử như làm việc nhóm, thuyết trình…

Nền tảng ngoại ngữ tốt, bằng cấp được công nhận toàn cầu, tạo điều kiện để học tập ở các trường đại học danh tiếng thế giới, đặc biệt tại Mỹ và Châu Âu. Ngoài ra các trường quốc tế còn thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn du học miễn phí, cơ hội thực tập hưởng lương, định cư, lập nghiệp lâu dài ở nước ngoài…

Nói về vấn đề chọn trường, GS.TS Trần Thành Nam từng cho biết, xét cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải cơ sở vật chất, môi trường hay thái độ đón tiếp phụ huynh mà vẫn là năng lực riêng của mỗi học sinh. Nhóm trường công và nhóm trường tư ngang nhau về mặt chất lượng bởi phải đảm bảo đầu ra cho học sinh. Điều tối thiểu cần đạt được những yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục đào tạo do Bộ GD&ĐT quy định.

Vì vậy, dù chọn trường nào, phụ huynh cần đóng vai trò chính giúp con phát triển tối đa năng lực. Nhiều phụ huynh đưa con vào trường tư rồi phó mặc cho thầy cô, không quan tâm, cũng không tham gia các hoạt động của con. Đây là lỗi sai tai hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Dù học ở nhóm trường nào, cha mẹ cũng cần là người đồng hành giúp con phát huy năng lực của công dân thế kỷ XXI: Năng động, sáng tạo, tự tin khám phá. Ngoài ra, người thầy cô là một nhân tố quan trọng. Nếu giáo viên là người có tâm, có năng lực, có chuyên môn sẽ khuyến khích đứa trẻ phát triển vượt bậc.

Về cơ hội nghề nghiệp, ông Thành Nam đánh giá nhóm trường công lập và nhóm trường tư thục là như nhau. Không có quy định nào đưa ra trường tư hơn trường công hay trường công nhỉnh hơn so với trường tư. Điều cốt lõi vẫn là năng lực học sinh. Để đạt tới thành công thì năng lực quan trọng là khả năng tự học.