Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, bệnh nhân Nguyễn T.B. hiện đang điều trị viêm gan B. Bệnh nhân nhập viện với tình trạng men gan rất cao, da và mắt vàng.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó cơ thể anh hoàn toàn khỏe mạnh. Hai năm trước, bệnh nhân có đi xăm ở tay và chân, rất có thể nguy cơ nhiễm viêm gan B từ việc xăm trổ này.

Theo các bác sĩ, khi xăm người ta phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra các tai biến. Rủi ro hay gặp nhất là rủi ro về nhiễm trùng, nếu làm thủ thuật này trong môi trường không được vô trùng thì rất dễ bị nhiễm trùng (hay nhiễm nhất là Herpes), lây nhiễm viêm gan B, HIV. Ngoài ra, các khuẩn liên cầu tụ cầu, tình trạng viêm mủ trên da cũng rất dễ gặp phải ở những người phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.

Cũng nằm điều trị viêm gan ở giường kế bên, bệnh nhân Hồ Sỹ H. (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chạy thận nhân tạo đã hai năm nay. Cách đây một tháng, bệnh nhân bị đau hạ sườn phải, men gan tăng cao được nhập viện tuyến dưới điều trị một tuần. Tuy nhiên, tình trạng men gan không hạ, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai với kết luận là mắc viêm gan C. Trước đó, bệnh nhân cho biết mình không hề mắc bệnh viêm gan B, C.

Bác sĩ cho biết, rất có thể bệnh nhân mắc viêm gan C trong quá trình cắm kim truyền để lọc máu, chạy thận và bệnh nhân cũng từng bị thiếu máu phải từng truyền máu nhiều lần.

Xăm trổ đầy mình, nam thanh niên mắc bệnh viêm gan B mà không biết - Ảnh 2.

Bệnh nhân này rất có thể mắc viêm gan B sau khi xăm trổ.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, hiện Việt Nam thuộc top các nước có tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm viêm gan B cao với khoảng hơn 15% dân số và 1%-2% dân số mắc viêm gan C. Như vậy, có khoảng 16 triệu người Việt Nam mắc các bệnh virus viêm gan B, C, và có khoảng hơn 10% số bệnh nhân này có nguy cơ mắc ung thư gan.

Theo PGS. Cường, bệnh viêm gan được coi là “sát thủ thầm lặng” với các triệu chứng rất kín đáo, khó phát hiện nếu không xét nghiệm máu. Đến khi phát hiện thì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn mạn tính, xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan…

Đường lây truyền chính của virus viêm gan B, C là lây bằng đường máu qua quan hệ tình dục không an toàn, mẹ truyền sang con hoặc truyền máu. Tuy nhiên, có rất nhiều người không biết mình mắc viêm gan B, C và thậm chí, họ cũng không biết mình mắc viêm gan B, C do lây truyền từ đâu.

Các chuyên gia y tế cho biết, viêm gan B là bệnh có thể phòng được bằng tiêm vắc xin, viêm gan C tuy không có vắc xin nhưng đã có thuốc kháng virút chữa khỏi bệnh. Do vậy, mục tiêu loại trừ viêm gan virút vào năm 2030 mà WHO đề ra tuy còn nhiều thách thức nhưng có thể thực hiện được.

Theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại.

Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virút viêm gan B cao như Việt Nam, WHO khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.