“Thấy da xanh, người suy nhược, cứ nghĩ mình bị gan nên tôi chỉ đi khám Đông y. Được 1 năm, uống hết gần 100 thang thuốc nam thì phải vào viện cấp cứu vì nhồi máu não. Hóa ra tôi bị thiếu máu ác tính”, ông Vũ Văn Thành (50 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Ông Thành bị thiếu máu ác tính do rối loạn sinh tủy, căn bệnh không thể chữa khỏi, mà chỉ có thể kéo dài sự sống bằng truyền máu để bổ sung lượng máu thiếu hụt. Một năm nay, tháng nào ông cũng phải truyền 1.500-2.000 ml (tương đương 5-8 bịch máu).
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, thiếu máu ác tính là bệnh thiếu máu dai dẳng có thể do tan máu bẩm sinh, rối loạn sinh tủy, suy thận nặng… Cơ thể không thể tự sản sinh đủ lượng máu cần thiết, gây ra hiện tượng thiếu máu trầm trọng. Nếu không được truyền máu thường xuyên, người bệnh có thể tử vong.
Thiếu máu ác tính không phải là hiếm gặp. Hiện có khoảng gần 300 người điều trị thường xuyên tại Bệnh viện. Tùy theo bệnh nặng hay nhẹ mà có biểu hiện sớm hay muộn.
|
Nguyễn Thị Hương (Nghệ An) bị tan máu bẩm sinh đã 15 năm. Năm nay 22 tuổi, nhưng trông cô xanh xao ốm yếu, chân tay còm nhom chẳng khác gì một đứa trẻ 13 tuổi suy sinh dưỡng nặng. Bị thiếu máu từ nhỏ, dinh dưỡng không đủ nên hệ xương của cô phát triển không bình thường, rõ nhất là mặt đã hơi biến dạng.
Theo bác sĩ Khánh, bệnh của Hương là do hồng cầu bị đột biến gene nên dễ vỡ, gây thiếu máu. Hồng cầu bị vỡ nhiều sẽ xuất hiện những cơn đau. Đó cũng là dấu hiệu bệnh nhân thiếu máu trầm trọng, phải được truyền máu.
Tuy nhiên nhiều khi người bệnh được truyền máu nhưng cơ thể không giữ được nên bác sĩ phải mổ cắt lá lách. Bình thường, trong quá trình di truyển hồng cầu phải đi qua lá lách - nơi có những mạch máu rất nhỏ - khi đó hồng cầu phải biến dạng để dễ chui qua. Nhưng hồng cầu bị tổn thương thì không thể biến dạng nên bị vỡ, làm cho lá lách phình to, phải cắt bỏ.
Hiện nay chưa có cách điều trị tận gốc bệnh thiếu máu ác tính, nên tháng nào bệnh nhân cũng phải nhập viện để bổ sung lượng máu cần thiết, nặng thì một đợt kéo dài đến 15 ngày, nhẹ thì một tuần. Cũng chính vì thế chi phí điều trị rất cao.
Nhà có 3 cô con gái, thì Nguyễn Thị Hương và em út 16 tuổi bị tan máu bẩm sinh. Từ 4 năm nay, tháng nào cả hai cũng phải vào viện truyền máu, hết chị lại đến em.
"Trước chưa có bảo hiểm người nghèo, mỗi lần ngót nghét cũng vài chục triệu tiền thuốc men, tiền mua máu, chọn máu, ăn uống… Tôi làm ruộng, trâu bò thì không có, nhà thì đã phải cầm ngân hàng, tháng nào cũng phải trả gần 2 triệu tiền lãi", ông Lộc, bố Hương, nói.
Bệnh nhân thiếu máu suốt đời chỉ có thể điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vì tuyến dưới thường không đủ máu để cung cấp. Vì vậy nơi đây thường quá tải, có đợt 3-4 người bệnh nằm chung một giường. Lượng máu cung cấp cũng thiếu, nhiều khi bệnh nhân phải chờ 1-2 ngày mới có máu để truyền, bác sĩ Khánh cho biết.
Thiếu máu ác tính là bệnh bẩm sinh nhưng chỉ khi nặng mới có biểu hiện, vì thế ai cũng có khả năng mắc bệnh. Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng ngoài những dấu hiệu thiếu máu thông thường như người xanh xao, mệt mỏi, cơ thể suy nhược. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo những người thường xuyên bị thiếu máu nên đi xét nghiệm để sớm phát hiện bệnh. Bên cạnh truyền máu định kỳ, người bệnh cũng cần ăn uống đủ chất, để tăng lượng máu trong cơ thể.