Nhiều học sinh ngộ độc sau khi ăn những loại kẹo lạ trước cổng trường
Mới đây, 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Hà Nội) có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn khi ăn cùng một loại kẹo lạ bao bì in chữ nước ngoài, xuất xứ không rõ ràng.
Theo báo cáo của Trường trung học cơ sở Nguyễn Quý Đức, vào khoảng 13h40 ngày 29/11, phòng y tế nhà trường tiếp nhận 11 học sinh có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn. Được biết, những học sinh này trước đó đã mua loại kẹo lạ vỏ màu xanh in chữ nước ngoài và chia nhau ăn. Sau khi được đưa tới trạm y tế khám và theo dõi, sức khoẻ của các em đã dần ổn định.
Đây không phải trường hợp duy nhất hàng loạt học sinh có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn các loại kẹo lạ được bày bán ở cổng trường. Trước đó ngày 27/11, một số học sinh của trường THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đã mua một loại kẹo có chữ nước ngoài ở gần cổng trường đem vào lớp để chia nhau ăn.
Đến tối cùng ngày, 29 học sinh đã ăn kẹo có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, tê môi, buồn nôn... nghi ngộ độc thực phẩm. Ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thông tin tới phụ huynh để nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của các em.
Đến thời điểm lực lượng kiểm tra xác minh cửa hàng của bà S. - nơi các em nói đã mua kẹo thì cửa hàng chỉ còn bán loại kẹo của Việt Nam có tem nhãn đầy đủ.
Cũng tại Quảng Ninh, ngày 25/11, tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn cũng xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Có 126 em học sinh đã mua và sử dụng loại kẹo vỏ màu xanh biển cùng dòng chữ nước ngoài tại một cửa hàng ngoài cổng trường.
Sau khi ăn, 5 em có biểu hiện tê môi, chóng mặt, tức ngực, khó thở phải theo dõi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
Tại phường Mỏ Chè (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) vào ngày 28/11, Trường THCS Nguyễn Du cũng ghi nhận một số trường hợp học sinh có biểu hiện bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... sau khi ăn loại kẹo lạ màu xanh, có chữ nước ngoài bán gần khu vực cổng trường.
Sau khi kiểm tra trực tiếp các cửa hàng học sinh đã mua kẹo, có 220 gói kẹo (là loại kẹo các học sinh cho biết khi ăn xong xuất hiện tình trạng ngộ độc) đã bị tạm giữ.
Các địa phương đưa ra khuyến cáo
Ngoài việc triển khai kịp thời công tác khám chữa bệnh đảm bảo sức khoẻ cho học sinh ngộ độc do ăn những loại kẹo lạ, không rõ nguồn gốc... nhiều cơ quan chức năng địa phương cũng đã phát đi các khuyến cáo về vấn đề này.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Sở đề nghị các đơn vị chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đồng thời khuyến cáo các gia đình thường xuyên nhắc nhở các con không được mua và sử dụng các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự.
Lực lượng chức năng cũng ra quân tăng cường công tác kiểm tra, thu giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực cổng trường học.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Trần Thế Cương cũng cho biết, Sở GD&ĐT đã lập tức chỉ đạo phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã trên toàn TP cùng các đơn vị, trường học trực thuộc yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học cũng như rà soát hàng quán bán đồ ăn trước các cổng trường nhằm phát hiện các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng sức khoẻ học sinh.
Phía Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường học, yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không nguồn gốc và báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.